Công dụng chính: Trị mụn, sát trùng.
Đánh giá:  Tốt 
Thuộc nhóm: Thành phần trị mụn.
Đánh giá thành phần cho bà bầu:  Tương đối an toàn 
Lưu ý khi sử dụng:
An toàn cho bà bầu nồng độ <5%
Sản phẩm:
Mô tả ngắn: Benzoyl Peroxide là một loại dược phẩm quan trọng nhưng cũng được sử dụng trong công nghiệp hóa chất. Đây là một loại thuốc được sử dụng để điều trị mụn trứng cá ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Hoạt chất này có đặc tính sát trùng, tiêu diệt ổ vi khuẩn tích tụ lâu ngày trong lỗ chân lông nguyên nhân gây nên mụn.

Chúng hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả với hầu hết các loại mụn như mụn cám, mụn bọc, mụn viêm… theo cơ chế thẩm thấu và xâm nhập sâu vào lỗ chân lông, làm chậm sự tiến triển của mụn và diệt vi khuẩn gây mụn, tạo điều kiện cho oxy diệt vi khuẩn gây mụn.

Benzoyl peroxide có những dạng và hàm lượng sau:
– Acnecide Gel 10%, 5%;
– Benzac AC Gel: 10%, 5%, 2,5%;
– Cuctanyl Gel: 10%, 5%, 2,5%.

Một số tác dụng phụ ít phổ biến: Kích thích da, nóng da, bong tróc, đóng vảy, ngứa, tấy đỏ, sưng, phát ban.

 

Thành phần benzoyl peroxide trong mỹ phẩm

Thành phần benzoyl peroxide trong mỹ phẩm

Benzoyl Peroxide là gì?

Benzoyl Peroxide (BPO) là hoạt chất trị mụn bằng đường bôi thoa ngoài da. Hoạt chất này ở dạng hoá chất tổng hợp, thuỷ phân thành benzoic acid và oxy ngay khi thoa lên da. Benzoyl Peroxide xuất hiện khá lâu đời và trở nên phổ biến trong giới làm đẹp, vì vậy bạn hoàn toàn có thể mua chúng ngoài cửa hàng mỹ phẩm và các tiệm thuốc dưới dạng sản phẩm không kê đơn (OTC).

Thông thường, bạn sẽ thấy chúng có nồng độ trong khoảng 2.5-10% trong mỹ phẩm. Ở Mỹ, Benzoyl Peroxide là thuốc trị mụn được kê đơn nhiều thứ hai với 12.8% tổng số trường hợp. Hoạt chất này có một số đặc điểm nổi bật như: Kháng viêm (anti-inflammatory), kháng khuẩn (antibacterial), ức chế khả năng hình thành mụn trứng cá (comedolytic).

Quá trình được tìm thấy và sử dụng trong ngành làm đẹp có thể tóm gọn như sau:

Năm 1905, nhà hoá học Loevenhard đã tổng hợp ra được Benzoyl Peroxide.
Năm 1934, nhà nghiên cứu Lyon và Reynold đã nhận ra đây là cách điều trị mụn trứng cá vô cùng hiệu quả. Nhưng đến tận những năm 1960, bác sĩ mới bắt đầu dùng Benzoyl Peroxide như một cách thức điều trị mụn trứng cá thường xuyên.
Năm 1960, BPO được công nhận rộng rãi về khả năng trị mụn trứng cá tại Mỹ và tiếp đến là tại Đức vào năm 1974.

Cơ chế trị mụn của Benzoyl Peroxide

Benzoyl Peroxide có cấu trúc hoá học là (C6H5−C(=O)O−)2 gồm 2 nhóm Benzoyl (C5H5−C(=O)−, Bz) kết hợp với nhau bằng một cầu nối Peroxide (−O−O−). Chúng là chất ưa béo nên cực kỳ dễ đi sâu vào nang lông nơi có bã nhờn. Khi đã đến nơi, BPO giải phóng oxy gốc tự do và benzoic acid. Điều này đồng nghĩa với việc Benzoyl Peroxide là chất oxy hoá.

Nói về vi khuẩn gây mụn P.acnes (Propionibacterium acnes) tham gia vào quá trình phản ứng viêm gây mụn viêm sưng và cả mụn không viêm nữa. Tuy nhiên những năm gần đây, các nhà khoa học cho rằng C.acnes (Cutibacterium acnes) mới là tên gọi chính xác cho loại mụn này.

Benzoyl Peroxide giúp kháng viêm, kháng khuẩn

Nhớ lại một chút về bộ môn hoá đã được học ở trường, cách hoạt động của BPO giúp kháng khuẩn và kháng viêm như sau: Việc hình thành mụn sẽ gây ra vấn đề viêm nhiễm, kích thích sản sinh bã nhờn, keratin. Lỗ chân lông khi chứa quá nhiều mớ hỗn độn này đã trở nên bí tắc khiến oxy từ bên ngoài không thể đi vào, môi trường trong ổ viêm trở thành môi trường kị khí. Điều kiện kị khí lại vô cùng hoàn hảo cho vi khuẩn P.acnes phát triển. Benzoyl Peroxide đi vào “hang ổ” này, giải phóng oxy tự do, tiêu diệt vi khuẩn P.acnes hiệu quả.

Benzoyl Peroxide trên thực tế có tính diệt khuẩn phổ rộng nhất so với bất kỳ hoạt chất trị mụn nào hiện nay. Các loại vi khuẩn mà BPO chống lại như candida cutibacterium, staphylococcus, malassezia và pseudomonas

Benzoyl Peroxide giúp làm thông thoáng lỗ chân lông

Nếu mang so sánh với Salicylic Acid (một loại BHA), Benzoyl Peroxide có khả năng tiêu sừng hiệu quả ở mức độ sâu hơn so với Salicylic Acid chỉ tiêu sừng trên bề mặt. Vì thế, BPO làm bong lớp sừng tổn thương, loại bỏ tế bào chết, kháng khuẩn mạnh hơn và có khả năng trị được vấn đề tổn thương sâu hơn.

Tác dụng phụ của Benzoyl Peroxide

Khi nhắc đến Vitamin C, người ta hay nhớ ngay tới tính chống oxy hoá cao. Còn với Benzoyl Peroxide, chúng có tính oxy hoá cao (ngược hẳn với vitamin C). Tính oxy hoá (oxidation) thể hiện độ khát electron. Cấu trúc của Benzoyl Peroxide bị thiếu điện tích từ một phía nên để tạo được liên kết ổn định, BPO buộc phải kết nối thêm với hai nguyên tử khác nữa để “ăn trộm” electron. Sau khi hoàn thiện, cấu hình bền vững của BPO có 8 electron ở lớp ngoài cùng.

Trong cấu trúc -O-O-, oxy cần liên kết với chính nó nên đâu có chịu thiệt thòi mà nhường electron. Hai nguyên tử oxy này cùng nhau đi chiếm đoạt electron ở mọi nơi mà chúng tìm thấy gần đó. Vì thế chúng trở thàng gốc tự do có hại.

Chính vì sở hữu gốc tự do, Benzoyl Peroxide đi tiêu diệt vi khuẩn P.acnes nhanh chóng hơn hẳn. Tuy nhiên đáng buồn là BPO không phân biệt P.acnes hay vi khuẩn thông thường, chúng diệt cả hai. Chốt lại, dùng Benzoyl Peroxide lâu ngày sẽ gây ra tình trạng lão hoá, da dẻ thô ráp và yếu đi.

Benzoyl Peroxide trị được những loại mụn nào?

Trước khi biết Benzoyl Peroxide trị mụn hiệu quả như thế nào, bạn cần hiểu được những loại mụn khác nhau mà làn da hay gặp phải. Khi được chia theo mức độ tổn thương chúng ta có hai loại:

Mụn không viêm: Bao gồm mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn ẩn.
Mụn viêm: Bao gồm Pustules (mụn mủ), Papules (mụn sẩn), Nodular acne (mụn chai), Cyst (u nang).

Benzoyl Peroxide có tác dụng hiệu quả với các dạng mụn mủ, mụn có viêm thay vì mụn không viêm như đầu trắng và đầu đen. Điều đó không có nghĩa là bạn cứ chấm BPO lên thì mụn viêm sưng sẽ khỏi. Nếu dùng không đúng cách, mụn chẳng những không hết mà còn trở nên chai lỳ khó điều trị hơn rất nhiều.

Để xử lý triệt để mụn bằng ​​Benzoyl Peroxide, hãy chia nhỏ mụn viêm thành nhiều nhóm như sau:

Mụn viêm sưng có mủ (có đầu trắng): Các loại mụn này bao gồm papules, pustules, cysts và nodules. Sau khi làm sạch da mặt và dưỡng ẩm đầy đủ, bạn dùng tay sạch hay tăm bông chấm một lượng BPO vừa phải sau đó thoa lên nốt mụn.
Mụn viêm sưng chưa có mủ (chưa có đầu trắng): Loại mụn này là papule, cần được can thiệp trước bằng hoạt chất tẩy da chết là AHAs và BHAs. Khi dùng tẩy da chết, bạn cần kết hợp với hoạt chất làm dịu và phục hồi như Niacinamide, Hyaluronic Acid hay Vitamin B5. Khi mụn đã có nhân trắng, hãy dùng Benzoyl Peroxide chấm mụn như cách thực hiện với mụn sưng viêm có mủ nêu trên.

Lưu ý, khi chấm Benzoyl Peroxide lên hai loại mụn là cystsnodules có thể khiến chúng ta hiểu lầm là BPO gây chai mụn. Sự thật thì hai loại mụn này đã chai từ trước đó và không hay trồi được nhân đầu trắng lên như các loại còn lại. Trong lúc này, Benzoyl Peroxide có vai trò giúp tẩy da chết nhẹ nhàng, kháng khuẩn, gom mụn và tiêu dần đi nốt mụn.

Benzoyl Peroxide kết hợp được với hoạt chất nào?

1. Kết hợp Benzoyl Peroxide với BHA

BHA (Beta Hydroxy Acid) là hoạt chất mà bạn hay bắt gặp trong sản phẩm chăm sóc da, đặc biệt là da mụn. BHA có gốc dầu, chiết xuất từ thực vật như cây lộc đề (winter green), vỏ liễu (willow bark). Hoạt chất này chuyên giải quyết vấn đề về da liên quan đến lỗ chân lông, mụn ẩn, không đều màu… bằng cách đi sâu vào lỗ chân lông, loại bỏ bã nhờn và tiêu sừng.

Benzoyl Peroxide kết hợp cùng BHAs như được nhân đôi sức mạnh bởi cả hai đều có khả năng diệt khuẩn, tiêu sừng và giảm mụn vô cùng hiệu quả. Công dụng trị mụn ở đây đảm bảo được cả yếu tố mạnh mẽ và nhanh chóng mà ít hoạt chất trị mụn nào làm được khi đứng riêng lẻ một mình. Nói chung, một khi đã song kiếm hợp bích thì khả năng diệt mụn của bộ đôi này là khó ai sánh được.

Tuy nhiên, cả Benzoyl Peroxide và BHAs đều là các chất hoạt động vô cùng mạnh mẽ trên da. Đối với làn da nhạy cảm, đây là điều bạn cần thật sự cân nhắc trước khi sử dụng cả hai cùng lúc. Với làn da khoẻ khoắn hơn, hãy dưỡng ẩm thật kỹ, dùng thêm hoạt chất có khả năng phục hồi cao để giảm thiểu khả năng kích ứng hay đỏ rát da nhất có thể.

Một cách để kết hợp hai chất này mà vẫn đảm bảo độ êm dịu cho làn da là hãy dùng một sản phẩm chứa cả hai thay vì hai sản phẩm riêng lẻ. Công thức nền và chất làm dịu trong sản phẩm sẽ hạn chế tác động tiêu cực đến da, ngăn ngừa nguy cơ quá tải.

2. Kết hợp Benzoyl Peroxide với Retinol

Retinol là chất nổi tiếng trong làng trị mụn lẫn chống lão hoá. Hoạt chất thường được dùng để hỗ trợ làm sạch lỗ chân lông, kích thích sản sinh collagen, đẩy nhanh quá trình làm mới tế bào.

Benzoyl Peroxide dùng chung với Retinol cùng nhau đẩy nhanh quá trình điều trị mụn. Retinol thì khiến làn da được thay mới nhanh chóng, trở nên khoẻ mạnh và ít vấn đề hơn. BPO theo sau kháng viêm các ổ mụn, xử lý sâu trong lỗ chân lông.

Cũng giống như BPO và BHAs, BPO và Retinol đều hoạt động rất mạnh mẽ, hiệu quả nhanh mà khả năng kích ứng cũng cao. Với những bạn da vốn nhạy cảm cần patch test lẫn căn chỉnh nồng độ phù hợp.

Kết hợp Benzoyl Peroxide với kháng sinh

Clindamycin và erythromycin là hai dạng kháng sinh đường bôi phổ biến trong điều trị mụn, làm giảm vi khuẩn P.acnes. Đã là kháng sinh thì hiển nhiên chúng vô cùng hiệu quả trên làn da, tuy nhiên nhược điểm lớn nhất chính là hiện tượng kháng kháng sinh hay còn gọi là lờn thuốc.

Bộ đôi Benzoyl Peroxide cùng kháng sinh sẽ làm giảm khuẩn P.acnes mà không làm chúng kháng thuốc. Cơ chế của việc này là BPO giải phóng oxy tự do để giảm vi khuẩn P.acnes, không cho chúng có cơ hội manh động kháng thuốc. Các bác sĩ thường khuyên dùng kết hợp Benzoyl Peroxide và clindamycin phosphate để điều trị mụn trứng cá vì chúng mang lại hiệu quả cao hơn so với dùng riêng lẻ từng chất một.

Nồng độ Benzoyl Peroxide hiệu quả khi điều trị mụn

Nồng độ Benzoyl Peroxide thường gặp trên thị trường nằm trong khoảng 2.5% – 10%. Không phải cứ càng cao là càng hiệu quả, nồng độ BPO ở mức 3 – 5% đã có khả năng trị mụn tốt. Nồng độ cao hơn như 10% có thể gây kích ứng nếu bạn có làn da quá nhạy cảm.

Lựa chọn nồng độ vừa phải phù hợp với làn da của mình nên là điều ưu tiên. Đừng quên kết hợp với sản phẩm làm dịu để giảm thiểu tác dụng phụ trên da.

Lưu ý khi sử dụng Benzoyl Peroxide

Đối với da nhạy cảm

Benzoyl Peroxide được ví như hoạt chất trị mụn “được ăn cả, ngã là toang”. BPO có tính oxy hoá cao, nhiều khả năng gây kích ứng cho da nhạy cảm ở dạng mẩn đỏ và làm da trở nên thô ráp. Khi da nhạy cảm bẩm sinh hoặc trở nên nhạy cảm, hãy cân nhắc sử dụng BPO nồng độ thấp nhất có thể hoặc tìm kiếm hoạt chất khác để thay thế nếu cần.

Đối với phụ nữ mang thai

Khi đang mang thai hay có kế hoạch chuẩn bị mang thai trong tương lai gần, đây là điều vô cùng quan trọng cần bạn để tâm, Tiến sĩ Jerdan giải thích rằng Benzoyl Peroxide đứng ở mức C trong nhãn dán an toàn cho thai kỳ. Điều này có nghĩa rằng BPO có rủi ro khi thử nghiệm trên động vật nhưng chưa có nghiên cứu nào thử nghiệm trên người hoặc trên phụ nữ mang thai.

Do vậy, tránh sử dụng Benzoyl Peroxide hoàn toàn là thật sự cần thiết để đảm bảo an toàn tối đa cho mẹ bầu và những người chuẩn bị làm mẹ.

Đối với người có khả năng kích ứng

Benzoyl Peroxide hoàn toàn có khả năng gây kích ứng như bất kỳ thành phần nào khác trong mỹ phẩm, dù chúng có lành tính tới đâu đi nữa. Ai cũng có thể kích ứng với BPO, con số được đưa ra bởi bác sĩ Krant là khoảng 1% dân số (không phải là con số nhỏ).

Trước khi quyết định sử dụng hoạt chất này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ bất kể nồng độ là bao nhiêu.

Thoa cục bộ không thoa toàn mặt

Benzoyl Peroxide không phải là chất ngừa mụn có thể dùng hằng ngày lâu dài như AHAs hay BHAs. Với các nốt mụn, bạn hãy chấm lên cục bộ từng nốt như bài viết đã đề cập ở trên. Nếu muốn dùng cho toàn mặt với nhiều nốt mụn dày đặc, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ và thực hiện theo đúng chỉ dẫn. Trong nhiều trường hợp không cần thiết, bạn có thể thay thế Benzoyl Peroxide bằng các hoạt chất trị mụn ít rủi ro hơn.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *