Công dụng chính: Chất dưỡng da, phục hồi.
Đánh giá: Tốt
Thuộc nhóm: Thành Phần Phục Hồi.
Đánh giá thành phần cho bà bầu: Tương đối an toàn
Chỉ cần nhìn qua cũng thấy Glycerin chễm chệ trong hầu hết bảng thành phần của các loại mỹ phẩm ngày nay, đặc biệt là kem dưỡng ẩm. Thành phần này “lắm tài” cũng lại “nhiều tật” nếu chưa dùng đúng cách. Nắm rõ những điều này trước khi sử dụng để mỹ phẩm chứa Glycerin phát huy tối đa được hiệu quả của chúng nhé!
Thông tin bài viết
Glycerin là gì?
Glycerin (tên gọi khác là Glycerol) – một thành phần được dùng trong ngành mỹ phẩm đã khá lâu, khoảng hơn 50 năm có hơn. Bản thân Glycerin có sẵn trong lớp ngoài cùng của da hay còn gọi là lớp sừng.
Thành phần Glyceryl được xếp vào nhóm chất hút ẩm (humectants), nghĩa là chúng hút nước từ môi trường mang lên bề mặt da để giữ ẩm. Đây cũng chính là lý do bạn thường gặp chất này trong nhiều loại serum, kem dưỡng để hỗ trợ giữ ẩm cho da.
4 Công dụng nổi bật của Glycerin trong mỹ phẩm
Cung cấp độ ẩm
Như đã đề cập ở trên, Glycerin là một chất hút ẩm nên có công dụng cung cấp độ ẩm cho da căng mọng. Nghiên cứu vào năm 2005 chỉ ra mức độ Glycerin trong da có tương quan với mức độ hydrat hoá của da. Điều đó có nghĩa là, nhiều Glycerin giúp da ngậm nước tốt hơn.
Điều hoà thẩm thấu
Glycerin đóng vai trò đảm bảo quá trình thẩm thấu diễn ra ổn định, nghĩa là khiến cho chất nhờn giữa các tế bào da không bị quá đặc hay quá loãng.
Củng cố hàng rào bảo vệ da
Khi lipid ở trạng thái tinh thể lỏng đẹp, lớp hàng rào bảo vệ da được tối ưu hơn. Glycerin ở đây duy trì màng tế bào và lipid nội bào khoẻ mạnh. Một khi lớp hàng rào bảo vệ da ổn thì chúng sẽ làm tốt nhiệm vụ ngăn ngừa kích ứng cũng như các tác nhân gây hại từ môi trường.
Cải thiện khả năng ngậm nước
Ngoài khả năng cấp nước của một humectant, Glycerin còn có tính dưỡng ẩm. Cách chúng hoạt động là tạo ra một nơi chứa độ ẩm trên da. Nếu từng dùng mỹ phẩm chứa nồng độ Glycerin cao liên tục, da bạn sẽ cải thiện được khả năng ngậm nước nhiều hơn hẳn.
Nồng độ Glycerin bao nhiêu là đủ trong mỹ phẩm?
Các công dụng trên của Glycerin đã phát huy ngay từ nồng độ 3%, thậm chí là thấp hơn nữa. Trong mỹ phẩm, hàm lượng chất này có thể lên đến 40%.
Tại mức khoảng 10%, Glycerin vẫn đảm bảo được độ mỏng nhẹ, dễ dùng của công thức nhưng vẫn có khả năng dưỡng ẩm tốt, củng cố hàng rào bảo vệ da khoẻ mạnh, cung cấp nguồn nước dồi dào để da căng mọng, mịn màng. Khi nồng độ càng cao, Glycerin bắt đầu gây dính và nhớt nên không đảm bảo tính thẩm mỹ cho lắm. Vì thế, mỹ phẩm dùng cho da cũng thường có % thành phần này ở mức trên dưới 10%.
Một số lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm chứa Glycerin
Khả năng thẩm thấu ngược
Nhược điểm của các chất hút ẩm (humectants) là đưa nước từ nơi có áp suất cao đến thấp. Trong điều kiện lý tưởng là môi trường giàu ẩm, hoạt chất đưa nước từ môi trường vào bề mặt da. Còn trong môi trường thiếu ẩm, Glycerin lại đưa nước từ trong da lên bề mặt. Về lâu dài, điều này gây thất thoát hơi nước, khiến da còn khô khốc hơn trước khi dùng.
Cải thiện tình trạng này không khó, bạn chỉ cần dùng sản phẩm chứa Glycerin ngay khi vừa rửa mặt xong, lúc da còn ẩm chứ không đợi tới khi khô hoàn toàn.
Kết hợp chất khoá ẩm khác
Chính vì dễ bay hơi như vậy, các chất có vai trò khoá ẩm sẽ giúp niêm phong Glycerin lại trên da, không cho chúng thoát đi. Một số thành phần khoá ẩm thường dùng trong mỹ phẩm là Silicones không bay hơi, Allantoin, dầu chiết xuất từ thực vật (dầu dừa, dầu olive, dầu hướng dương), Lanolin, Petroleum Jelly…
Tổng kết
Tóm lại, Glycerin là một hoạt chất an toàn và lành tính, không gây kích ứng da khi sử dụng ở nồng độ hợp lý, và có thể mang lại hiệu quả rất tốt cho làn da. Tuy nhiên, do da mỗi người mỗi khác, cùng một công thức có thể phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với người khác. Vì vậy, các nàng nên cần tìm hiểu rõ về Glycerin và cách dùng để chọn được sản phẩm hiệu quả với làn da mình nhé!