Công dụng chính: Chất bảo quản
Thuộc nhóm: Thành Phần Bảo Quản.
Đánh giá thành phần cho bà bầu: Mức độ nguy hại (thấp)
Lưu ý khi sử dụng: (Trống)
Sản phẩm:
Mô tả ngắn: Paraben là hóa chất tổng hợp được sử dụng làm chất bảo quản trong nhiều loại sản phẩm bao gồm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), paraben là chất bảo quản giúp sản phẩm có thời gian sử dụng lâu hơn và ngăn chặn vi khuẩn và nấm mốc có hại phát triển trong sản phẩm. Thông thường trong một sản phẩm sẽ có nhiều hơn một paraben.
Trong 10 năm qua, Paraben đã bị chỉ trích và bị lên án khi sử dụng trong mỹ phẩm do chúng được cho là có liên quan đến những lo ngại về sức khỏe ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới. Các nghiên cứu về paraben hiện vẫn đang gây ra nhiều mâu thuẫn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chúng an toàn khi được sử dụng trong mỹ phẩm và được ưa chuộng hơn các chất bảo quản khác để giữ công thức ổn định. Các nghiên cứu này cũng cho thấy paraben không có bất kỳ ảnh hưởng nào khi so sánh với các hormone tự nhiên trong cơ thể.
Thông tin bài viết
Paraben là gì?
Paraben – chất bảo quản là thành phần vô cùng quen thuộc xuất hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta bao gồm thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm và kể cả dược phẩm. Tác dụng của Paraben là ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc, vi khuẩn trong sản phẩm và có tính kháng khuẩn cao, từ đó kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm đó.
Nguồn gốc của Paraben không nằm trong phòng thí nghiệm mà xuất phát từ tự nhiên. Chất này bắt nguồn từ Acid Para-hydroxybenzoic (PHBA), có nhiều trong trái cây như mâm xôi, cà rốt… Ngoài ra, qua quá trình phân huỷ các Acid Amin trong cơ thể, PHBA từ đây cũng được hình thành.
Thông qua đường ăn uống và sinh hoạt mỗi ngày, Paraben dễ dàng đi vào cơ thể rồi nhanh chóng được tống khứ ra ngoài qua hệ bài tiết tự nhiên
Công dụng của Paraben trong mỹ phẩm
Bên cạnh thực phẩm, đồ uống, Paraben xuất hiện nhiều trong mỹ phẩm chăm sóc da mỗi ngày như: mỹ phẩm dưỡng da, mỹ phẩm trang điểm, dầu gội – xả, sữa tắm, lăn khử mùi, bọt cạo râu cho nam… Nếu truy tìm chúng trong bảng thành phần, bạn sẽ thấy xuất hiện những cái tên quen thuộc gồm Ethylparaben, Methylparaben, Butylparaben, Propylparaben…
Chất bảo quản này được đưa vào mỹ phẩm với mục đích ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại lẫn nấm mốc. Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ an toàn trước những nguy cơ không nhìn thấy bằng mắt thường. Thay vì đứng một mình, bạn thường thấy sự xuất hiện của ít nhất hai loại Paraben khác nhau trong cùng một sản phẩm để hỗ trợ nhau khỏi nhiều loại sinh vật.
Phân loại paraben trong mỹ phẩm
Trong các loại Paraben mỹ phẩm được chia nhỏ thành hai loại khác nhau: loại chuỗi ngắn (Shorter-chain Paraben) và loại chuỗi dài (Longer-chain Paraben), phổ biến nhất là Methyl-, Ethyl-, Propyl-, Isopropyl-, Butyl- và Isobutylparaben. Paraben chuỗi ngắn như Methyl- và Ethyl- thường được dùng kết hợp với nhau trong khi Butyl- lại được dùng một mình.
Chuỗi Paraben dài có liên quan tới hoạt tính Estrogen mạnh hơn. Cấu trúc phân nhánh của chúng đã được chứng minh làm tăng cường hoạt động Estrogen, gia tăng khả năng gây mẫn cảm.
Nồng độ paraben được dùng trong mỹ phẩm
Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (NLM) thuộc Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cho biết, lượng Paraben được dùng trong mỹ phẩm là tối đa 0.4% (cho mỗi loại) và 0.8% (cho hỗn hợp nhiều loại). Danh sách các loại Paraben được sử dụng với hàm lượng trên bao gồm:
• Methylparaben
• Ethylparaben
• Propylparaben
• Isopropylparaben
• Butylparaben
• Isobutylparaben
• Benzylparaben
Sự thật đằng sau Paraben gây tranh cãi
Sự tranh luận đằng sau lợi ích và tác hại của Paraben chưa bao giờ hạ nhiệt, nhất là lúc thị trường mỹ phẩm phát triển với tốc độ chóng mặt hiện nay. Sau đây là minh chứng cho cả hai mặt tốt – xấu mà Paraben mang lại tính tới thời điểm hiện tại.
1/ Lợi ích của Paraben
Không phải tự nhiên mà Paraben được sử dụng làm chất bảo quản chính trong mỹ phẩm suốt hàng trăm năm trời. Lợi ích mà chất này mang lại thực sự cần được xem xét.
• Chống lại sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn, nấm mốc
Môi trường xung quanh chúng ta đầy rẫy những vi khuẩn, nấm mốc không thể nhìn bằng mắt thường. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi, từ đồ dùng trong nhà, không khí, thức ăn, thậm chí đến cả chiếc kệ mỹ phẩm ngay trên bàn của bạn.
Nếu không có chất bảo quản, hàng nghìn hàng triệu thể loại vi khuẩn và nấm mốc “ùa” ngay vào chai lọ mỹ phẩm của bạn chỉ trong tích tắc khi vừa mở nắp. Kể cả khi đã tuân thủ vệ sinh sạch sẽ mọi ngóc ngách xung quanh nhà, bạn cũng không thể vệ sinh được bên trong chính sản phẩm đang dùng.
• Gia tăng thời gian sử dụng mỹ phẩm
Tiền mua sắm mỹ phẩm chưa bao giờ là rẻ, ngay cả mỹ phẩm được gắn cái mác bình dân. Chẳng ai muốn bỏ ra một mớ tiền của rồi nhận lại hũ kem dưỡng biến mùi, biến màu, mốc meo khi chưa kịp sử dụng hết. Bạn đâu chỉ dùng mỗi kem dưỡng, thử liệt kê riêng sản phẩm dưỡng da đã lên đến nhiều chục, thậm chí hàng trăm nếu tính cả make up. Một chút Paraben đã giảm đi rất nhiều sự uống phí cho hàng tá mỹ phẩm của bạn rồi.
Da là một thứ phản ánh tình trạng sức khoẻ, chúng có thể mịn màng căng bóng hôm nay, nhưng đổ dầu và nổi mụn vào ngày mai. Vì thế bạn cần nhiều hơn một chai toner/ một chai serum để đáp ứng nhu cầu làn da của mình. Một lần nữa, sự xuất hiện của Paraben trong mỹ phẩm thực sự cần thiết.
• Minh chứng
Trong thông cáo báo chí ngày 21/05/2015 từ Cục Quản Lý Dược Phẩm – Bộ Y Tế đã chỉ ra: “Cho đến nay Cộng đồng Châu u và ASEAN chưa nhận được bằng chứng nào về việc các sản phẩm có chứa 05 dẫn chất Paraben: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben với hàm lượng quy định không an toàn cho người sử dụng”. Vì vậy, các sản phẩm chứa Paraben trong mức cho phép vẫn được phép tiếp tục lưu hành trên thị trường tại Cộng đồng Châu u, các nước thành viên ASEAN và Việt Nam.
Tại FDA – Food and Drug Administration (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), hiện không có quy định nào đặc biệt chỉ áp dụng riêng cho chất bảo quản trong mỹ phẩm. Theo Đạo luật FD&C (Đạo luật Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm Liên Bang), sản phẩm và thành phần mỹ phẩm không cần sự chấp thuận của FDA khi đưa ra thị trường (ngoại trừ phụ gia tạo màu). Trong các nghiên cứu đã công bố, FDA không có thông tin cho thấy Paraben gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người khi sử dụng.
Trong tài liệu tại Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (NLM) thuộc Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cho thấy Paraben không tích luỹ trong cơ thể. Nồng độ chất này trong huyết thanh nhanh chóng giảm sút và duy trì ở mức thấp ngay cả khi tiêm tĩnh mạch.
2/ Tác hại của Paraben
Bên cạnh nhiều lợi ích đã được xác thực cùng công bố chính thứ về tính hiệu quả, trên thực tế vẫn nổ ra nhiều tranh cãi về tác hại của Paraben với cơ thể con người cụ thể như:
• Gây rối loạn nội tiết tố dẫn đến ảnh hưởng khả năng sinh sản
Paraben có khả năng hoạt động tương tự với hormone Estrogen, phá vỡ chức năng bình thường của hệ thống hormone, từ đó gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động cơ quan sinh sản. Điều này có thể xảy ra với cả nam và nữ, sự phát triển sinh sản, khả năng sinh sản lẫn kết quả sinh nở.
Với phụ nữ mang thai, nếu lạm dụng chất này ở nồng độ cao trong thời gian dài, chúng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và cân nặng của thai nhi. Trường hợp nghiêm trọng hơn, sảy thai là kết quả không mong muốn khi bị ngộ độc Paraben. Điều này không chỉ xảy ra với riêng một loại Paraben cụ thể, bất kì chuỗi Paraben nào cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến bà bầu lẫn thai nhi (bao gồm cả Methylparaben hay thường gặp nhất trong mỹ phẩm).
• Tác nhân ung thư và rối loạn nội tiết
Nhiều nhà khoa học lo lắng về vấn đề khi Paraben tiếp xúc với Estrogen và cách chúng có khả năng góp phần gây ung thư, nhất là ung thư vú ở nữ giới. Sự có mặt của Paraben có thể thúc đẩy sự phát triển khối ung thư vú, làm chúng trở nên nhạy cảm hơn với Estrogen ngay cả với hàm lượng nhỏ chỉ 5-10 nanogram.
• Gây kích ứng
Bất kỳ thành phần mỹ phẩm nào cũng có khả năng gây kích ứng trên da, trong số đó có cả Paraben. Từ năm 1988 đã có những nghiên cứu khẳng định sản phẩm chứa nhiều Paraben có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm.
Methylparaben (một loại Paraben phổ biến trên thị trường) có thể phản ứng với tia UVB trong ánh sáng mặt trời khi thoa lên da. Điều này dẫn đến tổn thương DNA, tăng khả năng lão hoá. Riêng với phụ nữ mang thai và cho con bú, làn da lẫn cơ thể lúc này đang vô cùng nhạy cảm. Trong khi đó, Methylparaben được chấm ở mức 4/10 theo thang đo Skin Deep về mức độ gây hại của EWG (là mức có thể bị dị ứng và kích ứng miễn dịch). Vì vậy khả năng gây kích ứng và nguy hại cho làn da là có.
• Minh chứng
Tại chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (2017) xác định Paraben là một nhóm gồm Propyl- và Butylparaben, hoá chất có khả năng gây rối loạn nội tiết. bên cạnh đó, Trung tâm về Rối loạn Nội tiết Đan Mạch (2018) cũng xác định Butyl- và Isobutylparaben là chất gây rối loạn nội tiết.
Quan sát thấy trong nghiên cứu In Vitro và In Vivo (Drabre – 2022, tài liệu tại Thư viện Y học Quốc gia Mỹ thuộc Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ), hiệu lực Estrogen tăng theo độ dài của Paraben và các chuỗi bên phân nhánh cũng làm tăng hoạt tính Estrogen.
Ở nghiên cứu về con người, nhiều nhà nghiên cứu từ Harvard T.H. Trường Y tế Công cộng Chan thấy rằng, khả năng sinh sản giảm có liên quan đến Propylparaben trong nước tiểu (Smith 2013). Thêm một nghiên cứu khác ở người đã liên kết Butylparaben và tổng lượng Paraben trong nước tiểu với việc giảm khả năng sinh sản, thể hiện ra bằng giảm thời gian chu kỳ kinh nguyệt (Nishihama 2016). Cuối cùng, nồng độ của Butylparaben trong nước tiểu người mẹ và nồng độ trong máu cuống rốn có liên quan đến tăng tỷ lệ sinh non, giảm cân nặng em bé khi sinh (Geer 2017).
Nghiên cứu gần đây của Đại học California-Berkeley cho thấy Butylparaben liều thấp không được coi là có hại trước đây, hoạt động cùng với các thụ thể tế bào khác để kích hoạt các gen ung thư, làm tăng sự phát triển tế bào ung thư vú (Pan 2016). Propylparaben có thể làm thay đổi biểu hiện của gen, bao gồm cả gen trong tế bào ung thư vú (Wróbel 2014) và đẩy nhanh sự phát triển của tế bào ung thư vú (Okubo 2001).
3/ Kết luận
Các minh chứng trên cho thấy sự tranh cãi về lợi ích lẫn tác hại của Paraben lên cơ thể con người thực sự chưa có hồi kết. Mỗi tổ chức uy tín hay bản thân các nhà khoa học đều bỏ công nghiên cứu nhằm cố gắng đưa ra những bằng chứng thuyết phục nhất cho nghi ngờ của mình. Tuy nhiên, Paraben vẫn là một chất cần được “minh oan” và tin dùng nhiều hơn bởi:
♦ Được cấp phép lưu hành hợp pháp
Bản thân các cơ quan y tế cũng như luật pháp sinh ra để đảm bảo quyền và lợi ích cho người tiêu dùng. Một khi được phép lưu hành rộng rãi trên thị trường đồng nghĩa với việc Paraben đã vượt qua các vòng kiểm định gắt gao bởi nhiều ban ngành khác nhau. Quá trình nghiên cứu, thẩm định ấy đều được thực hiện bởi chuyên gia đầu ngành có bề dày kiến thức lẫn kinh nghiệm “khủng”. Do đó, bạn không cần quá quan ngại hay lo lắng khi dùng mỹ phẩm chứa thành phần này.
♦ Là chất bảo quản cực kỳ hiệu quả
Không thể phủ nhận khả năng bảo quản của Paraben trong cả mỹ phẩm lẫn thực phẩm, dược phẩm đều rất tốt. Chỉ cần một lượng rất nhỏ, giá thành không quá đắt đỏ, nguồn nguyên liệu dễ tìm kiếm, đa dạng nhiều loại…, Paraben vẫn là chất được ưu tiên sử dụng để bảo vệ con người trước tác hại từ nấm mốc, vi khuẩn tràn lan ngoài môi trường.
♦ An toàn khi dùng đúng nồng độ, đúng cách
Bất kỳ thành phần mỹ phẩm nào khi vượt quá nồng độ cho phép cũng trở nên nguy hại chứ không riêng gì Paraben. Hàm lượng chất này khi được thêm vào sản phẩm và đưa ra thị trường luôn nằm dưới mức cho phép, thậm chí là thấp hơn rất nhiều. Trước khi được bày bán hợp pháp, Paraben còn trải qua vòng kiểm tra In Vivo/In Vitro đạt chuẩn, thậm chí cải hai. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng mỹ phẩm đã được cấp phép.
• In Vivo: Là nghiên cứu lâm sàng cần thiết xem cơ thể phản ứng như thế nào với một chất cụ thể.
• In Vitro: Là nghiên cứu khoa học thực hiện trên ống nghiệm, cho phép một chất được nghiên cứu một cách an toàn.
Tóm lại, Paraben là nhóm chất vẫn nằm trong nhóm đáng dùng thay vì kịch liệt bài xích. Nếu vẫn còn quan ngại phần nào về Paraben đối với sức khoẻ, bạn có thể tìm mua sản phẩm được thay thế bởi các chất bảo quản mới hơn trên thị trường.
Thành phần bảo quản nào thay thế được Paraben?
1. Phenoxyethanol
Đây là loại dung môi hoá học có dạng lỏng, không màu, thơm nhẹ nhàng như mùi hoa hồng. Kết cấu của Phenoxyethanol dạng dầu nhờn, có tính dính nhẹ. Nguồn gốc của chất này bắt nguồn từ trà xanh, sản xuất bằng cách dùng Hydroxyethyl hoá Phenol, chịu được nhiệt độ cao và hoạt động tốt trong mức pH 3-10. Phenoxyethanol tan trong dầu, ít tan trong nước, tan được trong Propylene Glycol và Glycerin.
Hoạt chất này an toàn với tất cả người tiêu dùng khi làm chất bảo quản với nồng độ tối đa 1% (theo Uỷ ban Khoa học Châu u về an toàn người tiêu dùng).
2. Ethylhexylglycerin
Ethylhexyglycerin khá đa năng khi được sử dụng trong mỹ phẩm. Chúng vừa là chất bảo quản, chất hoạt động bề mặt, khử mùi, điều hoà da và còn giúp cải thiện cảm giác kết cấu. Chất này thực hiện vai trò bảo quản bằng cách giảm sức căng liên kết trên thành tế bào vi sinh vật, thúc đẩy quá trình phá hủy chúng. Ethylhexyglycerin còn tăng cường chức năng các chất bảo quản khác được dùng chung trong cùng công thức.
Theo EWG (Nhóm công tác môi trường Mỹ) xếp mức độ nguy hại cho da của Ethylhexyglycerin là 1/10 (1 là thấp nhất – 10 là cao nhất). Đối với các loại Paraben, số điểm này thường nằm ở mức cao từ 7-8.
3. EURO-NApre™
Chất bảo quản tự nhiên EURO-NApre chiết xuất từ nhóm 3 cây thuốc Đông y có đặc tính kháng viêm, trị thâm và trị mụn gồm: Zanthoxylum Piperitum Fruit Extract, Pulsatilla Koreana Extract, Usnea Barbata (Lichen) Extract. Thành phần này kéo dài thời gian sử dụng của công thức sản phẩm lên tới 3 tháng (nếu không bảo quản trong tủ lạnh) và 6 tháng (nếu bảo quản trong tủ lạnh).
EURO-NApre được điều chế qua phương pháp siêu âm cho phép bảo quản hợp chất thực vật có lợi lẫn hiệu quả của chúng. Đã được chứng nhận ECO-CERT, thành phần mang công dụng kháng sinh, kiềm khuẩn tốt mà không chứa bất kỳ chất bổ sung có hại nào.
Kết luận của Happyskin:
Cho đến nay, vẫn chưa có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận về việc Parabens có thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không, và bản thân cộng đồng Châu Âu, cộng đồng ASEAN và ngay cả tại Việt Nam, cục quản lý Dược cũng đã lên tiếng: “Việt Nam nằm trong cộng đồng ASEAN, nên khi có quyết định của Cộng đồng Asean, Cục Quản lý Dược đã cập nhật các chất dùng trong mỹ phẩm, trong đó khuyến cáo việc ngưng sử dụng các chất Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben và thực hiện lộ trình như Cộng đồng Châu Âu và Cộng đồng ASEAN. Chính vì thế, các sản phẩm vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường tại Cộng đồng châu Âu cũng như tại các nước thành viên ASEAN cho đến khi áp dụng lộ trình mới.”[/vc_column_text][/vc_column][/vc_row]