Tên Gọi Khác:Silicone hoặc Silicon
Công dụng chính:Chất làm sạch da, gây kích ứng da.
Đánh giá:Trung bình
Thuộc nhóm:Thành Phần Tăng Cường Kết Cấu,

Công dụng chính: Chất làm sạch da, gây kích ứng da.
Thuộc nhóm: Thành Phần Tăng Cường Kết Cấu
Đánh giá thành phần cho bà bầu: [Chưa đánh giá]
Lưu ý khi sử dụng:
Silicone dạng không bay hơi có thể gây bít tắc lỗ chân lông và nổi mụn
Mô tả ngắn: Silicone thường xuất hiện trong mỹ phẩm dưỡng da, kem nền, kem chống nắng ở loại dimethicone, cyclomethicone và dimethiconol nhằm tạo ra sự mịn màng, căng mướt cho làn da nhưng không khiến da tiết nhờn và dầu. Đồng thời, silicone còn cải thiện cảm giác khó chịu do các thành phần khác gây ra. Dimethicone, cyclomethicone và dimethiconol phân tử lượng lớn sẽ tạo thành màng chống thấm nước trên da, vì thế mà chúng giúp kéo dài được tác dụng của chống nắng cũng như chăm sóc da.

Nhưng nổi tiếng đi kèm với tai tiếng dường như là lời nhận xét phù hợp nhất dành cho Silicone. Có mặt trong hầu hết các sản phẩm chăm sóc da từ bình dân đến cao cấp, từ châu Á đến châu u, thậm chí dùng cho cả y tế, Silicone là cái tên quen thuộc trong ngành làm đẹp. Nhiều lời đồn đoán nổ ra trong một thời gian dài về tác hại cũng như khả năng làm đẹp của hoạt chất này. Sự thật liệu có tệ đến thế hay phải chăng cũng chỉ là lời đồn, cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay nhé!

Thành phần silicone trong mỹ phẩm

Thành phần silicone trong mỹ phẩm

Tổng quan về Silicone trong mỹ phẩm

Silica, Silicon, Silicone, hẳn bạn đã ít nhất một lần nghe đến những thành phần này trong đời (kể cả trong ngành làm đẹp, y tế và các nơi khác). Khoan, đừng nhầm nhé vì đây là 3 chất hoàn toàn khác nhau:

• Silicon (Si): Đây là nguyên tố hoá học, có vị trí thứ 14 trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học. Silica được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp như sản xuất máy tính và thiết bị điện tử.
• Silica (SiO2 – Silicon Dioxide): Silica là dạng oxide của Silicon, là một dạng khoáng chất rất dồi dào trên vỏ Trái Đất. Silica là thành phần chính ở trong cát, thạch anh. Trong cơ thể chúng ta, chất này xuất hiện để duy trì sự khoẻ mạnh của xương, sụn, móng, răng, da, gân và cả mạch máu. Một số thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày có chứa silica là bánh mì, gạo trắng, cà chua, quả chuối…
• Silicone: Là các polyme tổng hợp từ những thành phần gồm oxy, silic cùng một số nguyên tố khác như hydro và cacbon. Đây mới là thành phần mà bạn bắt gặp trong mỹ phẩm hay y tế hằng ngày chứ không phải là Silicon hay Silica.

Trong mỹ phẩm có rất nhiều thành phần được làm từ silicone hoặc chứa silicone, con số này lên đến hơn 300 tính tới thời điểm hiện tại. Dấu hiệu nhận biết một thành phần silicon trong mỹ phẩm là chúng có đuôi -cone hay đuôi -siloxane.

Có bao nhiêu loại Silicone?

1. Cyclomethicone

Cyclomethicone là hợp chất có mạch vòng. Các dẫn xuất Cyclomethicone phổ biến thường được sử dụng có 4 hoặc 5 nguyên tử Silicon (D4 hoặc D5). Các thành phần này rất dễ bay hơi, nhanh hơn cả nước và etanol. Đặc điểm nhanh bay hơi này khiến cho Cyclomethicone trở nên được yêu thích khi sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm có khả năng chống mồ hôi mà không để lại lớp màng trên da.

Cyclomethicone còn hay được bắt gặp trong dầu dưỡng chuyên dụng cho tóc bởi nó tạo nên độ mượt, trơn trượt trên tóc ướt. Độ mượt giúp bạn có thao tác chải tóc dễ dàng, nhẹ nhàng hơn nhưng Cyclomethicone sẽ bay hơi ngay sau đó nên không gây hư tổn cho tóc.

2. Dimethicone

Tên chung của các polyme silicone (-Si-O-) được bao quanh bởi nhiều nhóm metyl (-CH3) có tên gọi là Dimethicone. Trọng lượng phân tử của Dimethicone thì thấp hơn chất lỏng nên dễ dàng lan truyền trên các bề mặt. Để minh chứng cho sự lan toả dễ dàng này, bạn hãy nhớ đến đường hay mật ong. Chúng là các chất có trọng lượng phân tử cao nên bị bết rít và khó lan truyền hơn rất nhiều.

3. Silanols

Tên gọi khác của SilanolsDimethiconol, cái tên quen thuộc hơn rất nhiều trong bảng thành phần mỹ phẩm. Công thức của Dimethiconol là có gắn thêm nhóm -OH như một nhóm phụ trên polyme. Nhóm -OH khi phản ứng tạo nên Silanols có ích để tạo nên các nguyên liệu thô khác. Ngay cả chính bản thân Silanols, chúng có thể được dùng trong nhiều công thức mỹ phẩm bởi tính tan trong nước.

Silicone giống như vài chất khác rằng chúng có dẫn xuất tan trong dầu, có dẫn xuất tan trong nước, cũng có loại là con lai với khả năng chịu chơi ở cả hai môi trường. Đây cũng là thách thức của các hãng khi điều chế công thức mỹ phẩm chứa silicone. Dimethiconol cung cấp độ trơn mướt nhưng lại dễ trôi ngay khi gặp nước, bởi chúng có tan được trong nước đâu.

4. Cyclo-Dimethicone

Cyclo-Dimethicone, nghe tên đã mường tượng ra tính chất của loại Silicone này bởi chúng là con lai giữa hai loại: Dimethicone và Cyclomethicone (một loại thì ổn định, một loại lại dễ bay hơi). Tính ứng dụng của hợp chất này là ở trong các sản phẩm cần độ bền màu cao, bám lâu như son môi, sơn móng tay…

Công dụng của Silicone

1. Khả năng lan truyền

Một chất có sức căng bề mặt càng thấp thì càng có tính lan truyền cao. Ở trong mỹ phẩm, sức căng bề mặt thể hiện khả năng làn truyền trên bề mặt da. Silicone là chất có sức căng bề mặt rất thấp, thấp hơn cả dầu và nước nên chúng lan truyền trên da cực kỳ tốt. Ứng dụng của tính lan truyền này mang đến lợi ích giúp chất kem dễ dàng được phủ đều lên da, lên tóc, để lại cảm giác mịn mượt dễ chịu.

2. Khả năng tạo màng

Bỏ qua các dạng thức silicone tan trong nước, những loại Silicone tan trong dầu (không ưa nước) đóng vai trò như chất khoá ẩm giúp da hạn chế thất thoát hơi nước ra ngoài bề mặt da. Ngoài ra, khả năng tạo màng của Silicone sẽ ngăn không cho môi trường tác động xấu đến vết thương. Công dụng này sẽ ứng dụng ở việc điều trị vết thương hở, điều trị sẹo trong cả y tế lẫn mỹ phẩm.

3. Cải thiện khả năng dàn trải sản phẩm bên bề mặt da

Khi dùng mỹ phẩm lâu ngày, bạn sẽ nhận thấy những điều sau: Có loại mỹ phẩm rất dễ tán đều, có loại lại dễ vón, càng tán càng khó chịu; Có loại thì trơn mướt, sờ vào rất mềm và mịn, có loại lại vô cùng bết rít, cảm giác như dính bẩn trên da. Đây là sự khác biệt giữa sản phẩm có Silicone và không có Silicone.

Thú thật thì mỹ phẩm không có bất cứ gốc Silicone nào thường sở hữu kết cấu tệ, thoa lên da tương đối chán. Vì vậy dù ít dù nhiều, đôi khi các nhãn hàng vẫn cho thêm một vài gốc Silicone vào sản phẩm để kết cấu và trải nghiệm sử dụng dễ chịu hơn.

4. Tăng độ bám, khả năng chống trôi cho sản phẩm

Đặc điểm chung của nhiều loại kem chống nắng có khả năng chống thấm nước, kháng nước là để lại một lớp màng mỏng ở trên da. Đây là tác dụng của các thể loại Silicone khác nhau trong sản phẩm đó. Thường gặp nhất của các sản phẩm chống trôi này chính là đồ trang điểm, kem chống nắng,…

Có một sản phẩm thường dùng Silicone vừa để chống trôi lại vừa làm mịn bề mặt da là kem lót. Silicone sẽ đi vào, lấp đầy các rãnh nhăn trên da tạo nên bề mặt mịn mướt vô cùng.

5. Giúp kem chống nắng hoạt động bền vững hơn

Silicone bọc bên ngoài phân tử chống nắng có tác dụng kích hoạt phân tử chống nắng đó trở nên bền vững hơn, hạn chế thẩm thấu qua da vào cơ thể. Hiện nay đã có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sử dụng các công nghệ độc quyền khác nhau vào kem chống nắng, một số có thể kể đến như:

• Công nghệ Material Technology for Transparent Physical Sunscreen – Tập đoàn AmorePacific

Yan Li – tiến sĩ phòng thí nghiệm vật liệu tại trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (thuộc tập đoàn Amore Pacific) đã thực hiện một dự án nghiên cứu chung với nhóm của giáo sư Yi Gira (Trường Kỹ thuật Hoá học Đại học Sungkyunwan). Trong nghiên cứu, họ đã chêm vào giữa những hạt nano silica rỗng. Màng được tạo thành từ các hạt nhỏ như vậy có khả năng điều chỉnh kích thước lẫn khoảng cách giữa các hạt, tạo ra phim quang học phản xạ mạnh mẽ ánh sáng tia UV. Đây là điều tương tự với việc tảo lục nhanh chóng đổi màu bằng cách khuếch tán ánh sáng trong tự nhiên.

• Công nghệ SunSpheres™ BIO SPF Booster

Giống như Amore Pacific, công nghệ này cũng nói về loại silica siêu mịn kích thước nano mang cơ chế phản xạ ánh sáng độc hại. Đây không phải là màng lọc chống nắng mới mà là một chất dùng để tăng cường chỉ số SPF sinh học.
Loại silica đặc biệt này được sản xuất bởi Dow Silicoen Corporation, ông trùm sản xuất Silicone tại Hoa kỳ. Qua nghiên cứu In Vivo, với 2% thành phần này được thêm vào công thức có thể cải thiện chỉ số chống nắng từ 14 lên tận 46. Chứng minh khả năng lọc tia UV của em này không phải dạng vừa đâu.

• Công nghệ Net Lock – Tập đoàn L’Oreal

Phòng thí nghiệm của L’Oreal phối hợp cùng các nhà cung cấp nguyên liệu đã tìm ra một loại Polymer mới. Đây là đại phân tử gồm chuỗi các phân tử nhỏ lặp lại, có khả năng tạo gel và liên kết phân tử chống nắng, từ đó ổn định bộ lọc. Loại polymer có võ này chống được bụi, chống chảy vào mắt mà có kết cấu trong suốt, mỏng nhẹ vô cùng. Tên của loại polymer này là Acrylates/C10-30 Alkyl Acrylate Crosspolymer.

6. Hoạt động như 1 “chất dẫn”

Tuỳ theo công thức được điều chế, Silicone hỗ trợ những thành phần khác có trong cùng công thức nền thẩm thấu vào da nhanh hay chậm. Kem chống nắng dạng sữa là mỹ phẩm tiêu biểu mà bạn dễ dàng tìm được Silicone trong đó. Tại đây, chúng giúp chất sữa thẩm thấu vào da nhanh chóng, tạo cảm giác ráo mịn, khô thoáng, nhẹ mặt với các gốc Silicone dễ bay hơi.

Những lời đồn về Silicone

Silicone gây mụn cho da

Lời đồn thổi đầu tiên về Silicone là chúng có khả năng gây bùng mụn, thủ phạm thường là Silicone không bay hơi. Nguyên nhân cho sự vụ này do chúng hoạt động như rào chắn không cho dầu thừa, bụi bẩn, tế bào chết thoát ra ngoài khiến mụn trở nên tệ hơn.

Điều này có thể đúng với làn da dầu mụn, cơ địa da dễ bí tắc, tuy nhiên không thể quy chụp cho mọi làn da khác được. Bản thân Silicone có phân tử rất lớn, chúng khó mà bịt kín đường hay các khoảng trống trong lỗ chân lông. Khả năng gây mụn ở chỗ bạn chưa kịp làm sạch sâu lỗ chân lông mà đã vội vàng thoa sản phẩm chứa silicone quá dày trên bề mặt.

Ngăn khả năng thẩm thấu các chất

Như vừa nhắc đến ở trên, Silicone vốn không thể tạo ra bề mặt kín bưng bởi kích thước phân tử rất lớn. Chính vì thế, giữa các phân tử Silicone luôn tồn tại các khe hở đủ rộng để các chất khác sau đó vẫn len lỏi vào sâu trong da được. Bạn không cần lo lắng khi dùng mỹ phẩm chứa Silicone trước khi dùng thành phần khác nhé.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Dù vẫn tạo ra khe hở nhưng tốc độ thẩm thấu của các chất khác vào da hiển nhiên không thể nhanh chóng như khi bề mặt da không có Silicone. Để đảm bảo được cả tốc độ thẩm thấu lẫn hiệu quả sử dụng tối ưu nhất, bạn có thể cân nhắc mỹ phẩm chứa Silicone được dùng sau cùng để khoá ẩm cho da.

Silicone giúp lành sẹo nhanh hơn

Những phân tử Silicone đứng cạnh nhau tạo nên một lớp hàng rào tương đối tốt để bảo vệ da. Không thể lấp đầy hoàn toàn vì cấu trúc phân tử lớn, hàng rào Silicone vẫn có khả năng ngăn chặn tác nhân bên ngoài gây ảnh hưởng lên vùng da tổn thương. Điều đó giúp vết thương được bảo vệ và lành nhanh hơn. Hai dạng Silicone phổ biến trong các sản phẩm trị sẹo là

Polysiloxanes và Siloxane Resin

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ Benjamin Bleasdale, ông sử dụng miếng dán có lớp gel bằng Silicone lên các vết thương. Kết quả của nghiên cứu này là sự cải thiện các loại sẹo sau thời gian dùng 6-12 tháng.

Silicone gây ung thư

Đây có lẽ là lời đồn đại khiến Silicone có tiếng tăm hơn rất nhiều. Xuất hiện trong vô số sản phẩm chăm sóc da và cơ thể, lời đồn khiến cho nhiều tín đồ skincare và cả hội chị em trở nên hoang mang vô cùng.

Các bác sĩ da liễu và nhiều nhà nghiên cứu đã nói rằng “Silicone thật sự có kích thước quá lớn so với khả năng chúng thâm nhập được vào da. Chất này cũng không thể gây ra rối loạn liên quan đến hormone hay gây ung thư da như nhiều lời đồn mà bạn nghe thấy thời gian qua”. Chứng tỏ rằng, Silicone là chất vô cùng an toàn, lành tính cho mọi người. Nếu những sản phẩm đang sử dụng có chứa chất này, bạn cứ an tâm tiếp tục sử dụng nhé.

Silicone không thể rửa trôi

Silicone có tính kị nước, chúng gặp nhiều khó khăn trong việc rửa trôi, vì vậy chất này khá lỳ lợm trên da – Theo tiến sĩ Deanne Mraz Robinson, bác sĩ da liễu thuộc ban cố vấn trang Healthline.

Nếu khó rửa trôi như vậy, vì sao bạn lại thường xuyên thấy chúng trong các sản phẩm trang điểm hằng ngày ? Câu trả lời là so với việc khó rửa trôi, Silicone vẫn mang lại rất nhiều công dụng cho chúng ta. Chất này không độc hại đến mức chỉ vì khó rửa trôi mà bị loại bỏ hoàn toàn khỏi ngành làm đẹp.

Hiện nay, nhiều loại dầu tẩy trang và sáp tẩy trang gốc dầu đã ra đời để giúp tẩy được lớp make up dễ dàng hơn. Giá thành của các sản phẩm này cũng không quá cao, vì vậy bạn có thể dùng chúng thay cho nước tẩy trang để làn da sạch sâu hơn nhé.

Vậy có nên dùng silicone trong mỹ phẩm?

• Với làn da dầu mụn dễ bít tắc

Làn da này có đặc điểm dễ bít tắc nên Silicone không phải lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên với sản phẩm chứa Silicone bay hơi hoặc hàm lượng không cao, bạn hoàn toàn vẫn sử dụng được. Điều cần lưu ý ở đây là làm sạch da thật kỹ vào cuối ngày để thông thoáng lỗ chân lông, da cũng được dễ thở hơn nữa.

• Với làn da khoẻ mạnh

Làn da khoẻ mạnh thường là làn da không “ngán” thành phần nào. Bạn cứ thoải mái sử dụng sản phẩm chứa Silicone kể cả loại dễ bay hơi hay không bay hơi. Chỉ cần chú ý làm sạch sâu vào cuối ngày như bao loại da khác là được.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *