Công dụng chính: Chất làm sạch da, gây kích ứng da.
Đánh giá: Trung bình
Thuộc nhóm: Thành Phần Làm Sạch.
Đánh giá thành phần cho bà bầu: Mức độ nguy hại (thấp)
Lưu ý khi sử dụng: Có khả năng gây khô da nếu dùng ở nồng độ cao, hạn chế dùng khi da bong tróc và ửng đỏ.
Sản phẩm:
Mô tả ngắn: “Cồn” dùng để chỉ một nhóm các hợp chất hữu cơ rất đa dạng sử dụng trong mỹ phẩm. Đối với da, có cồn tốt và cồn xấu, cồn có trọng lượng phân tử cao là cồn tốt và cồn có trọng lượng phân tử thấp là cồn xấu. Cồn có đặc tính dưỡng ẩm (như cetyl alcohol) hoặc hoạt động như chất làm sạch bề mặt như isopropanol. Cũng có những dạng lành tính, bao gồm glycols, được sử dụng làm chất hút ẩm để giúp cấp nước và truyền dẫn các thành phần dưỡng vào các lớp trên cùng của da. Cồn có trọng lượng phân tử thấp – loại không tốt cho da – có thể gây khô và kích ứng da.
Thông tin bài viết
Cồn trong mỹ phẩm là gì?
Để biết một chất là gì, chúng ta cần tìm hiểu trước về khái niệm của chất đó. Trong hoá học, cồn (Alcohol) là một hợp chất hữu cơ (hợp chất gốc cacbon) có nhóm -OH hoặc hydroxyl gắn vào một nguyên tử cacbon. Ngoài góp mặt trong mỹ phẩm, ở các ngành khác bạn có thể nghe đến cồn ở trong bia rượu hoặc cồn trong y tế.
Phân loại cồn trong mỹ phẩm
Cồn được chia ra làm hai nhóm khác nhau là cồn khô và cồn béo. Tiếng xấu của cồn thường bị đổ về cho nhóm cồn khô bởi khả năng gây thô ráp làn da. Hiệu quả và tác hại thật sự như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu phía sau, còn bây giờ sẽ là thông tin tổng quan về hai loại chất này.
1. Cồn khô
Nếu đã sử dụng và va chạm với các loại mỹ phẩm đủ lâu, bạn sẽ nhận thấy cồn khô được sử dụng thường có chung một loại. Loại cồn này chính là thứ tìm thấy trong đồ uống có cồn như bia hay rượu. Trong đó Alcohol Denat hay SD Alcohol (SD – Specially Denaturated) được xếp vào danh sách cồn biến tính (Denatured Alcohol).
Loại cồn này cần quá trình đặc biệt để biến đổi nó thành loại cồn không uống được. Nói một cách nôm na dễ hiểu thì người ta sẽ trộn ethanol với lượng nhỏ thành phần phụ khác như dầu thông, methanol…
Một số loại cồn khô thường gặp:
• Alcohol
• SD Alcohol
• Alcohol Denat
• Isopropyl Alcohol
• Denatured Alcohol
• Ethanol
• Methanol
• Ethyl Alcohol
• Methyl Alcohol
• Polyvinyl Alcohol
• Benzyl Alcohol
2. Cồn béo
Loại cồn thứ hai được gọi với cái tên quen thuộc hơn là cồn béo. Cồn béo thì có công dụng duy trì độ ẩm và làm mềm da, ngược lại với cồn khô có khả năng gây khô da. Loại da nào cũng có thể sử dụng cồn béo trong chu trình chăm sóc da mỗi ngày, nhưng đừng tham lam quá kẻo lại dư ẩm và nổi mụn. Khi dùng nồng độ quá nhiều, như báo chất dưỡng ẩm khác, cồn béo vẫn có khả năng gây bít tắc lỗ chân lông tạo nên mụn.
Nhìn chung cồn béo vẫn được đánh giá là lành tính, an toàn, ít gây ra tác hại nào đặc biệt so với cồn khô. Một số loại cồn béo thường gặp:
• Cetyl Alcohol
• Cetearyl Alcohol
• Stearyl Alcohol
• Lanolin Alcohol
• Behenyl Alcohol
• Myristyl Alcohol
• Arachidyl Alcohol
• Acetylated Lanolin Alcohol
Điểm danh 6 công dụng của alcohol (cồn) trong mỹ phẩm
Dùng làm chất bảo quản cho sản phẩm
Ở nồng độ đủ cao, cồn có thể được dùng như một chất bảo quản cho sản phẩm dạng lỏng. Benzyl Alcohol là chất thường xuyên được tìm thấy nhất cho công dụng làm chất bảo quản. Các sản phẩm hay dùng chất này để kháng khuẩn là dung dịch tẩy rửa gia dụng, nước rửa tay, gạc cồn…
Ở thời điểm hiện tại, ứng dụng cồn để làm chất bảo quản cho sản phẩm không còn phổ biến nhiều như trước nữa. Như những lời đồn về cồn khô, sử dụng thường xuyên có thể gây khô da hoặc một vài tác hại khác cho làn da nhạy cảm.
Là dung môi hoà tan
Nếu đã nghe qua về mỹ phẩm có nền nước và nền dầu, bạn đã từng nghe đến mỹ phẩm nền cồn chưa? Một số hoạt chất khó mà hoà tan được trong nền nước hay nền dầu, vì vậy chúng cần đến một nền sản phẩm dễ hoà tan hơn là cồn. Đặc biệt với các chất không phân cực vô cùng khó hoà tan như BHA (Beta Hydroxy Acid) chẳng hặn, cồn xuất hiện như vị cứu tinh để đưa BHA đến gần hơn với người tiêu dùng.
Không chỉ có BHA, những chiết xuất có nguồn gốc từ thực vật cũng có nhiều loại khó hoà tan trong nước. Cồn giúp các chiết xuất này hoà tan và phân bổ đồng đều với nhau trong cùng một công thức sản phẩm. Ethanol cũng được dùng trong việc chiết sớt hoạt chất từ thực vật nữa.
Hỗ trợ làm sạch da
Nói về khả năng làm sạch da thì cồn khô là tốt nhất. Từ rất rất lâu, cồn khô đã được ứng dụng khắp thế giới trong nhiều sản phẩm như tẩy trang, nước cân bằng (toner) để hỗ trợ loại bỏ bã nhờn, dầu thừa, bụi bẩn, tạp chất tích tụ sâu trong lỗ chân lông.
Nhiều năm trở lại đây, dưới sự lo lắng của người dùng mỹ phẩm về khả năng gây khô da của cồn khô, nhiều nhãn hàng nổi tiếng dần thay thế bằng các chất nền khác dịu nhẹ hơn. Khi dùng hằng ngày, thậm chí là nhiều lần và nhiều sản phẩm mỗi ngày, các tín đồ làm đẹp cũng dần ưu tiên sự lựa chọn lành tính hơn thay cho cồn khô. Nói vậy không có nghĩa là cồn khô trở nên “thất sủng” bởi chúng vẫn là thứ không thể thay thế trong nhiều trường hợp.
Làm tăng khả năng thâm nhập của sản phẩm
Khả năng thẩm thấu của Ethanol là không đùa được đâu bởi chúng thấm nhanh qua da người với trạng thái ổn định xấp xỉ 1mg cm2/h. Ethanol cũng thực hiện cơ chế thẩm thấu của mình qua nhiều kiểu khác nhau:
♦ Như một dung môi hoà tan, Ethanol làm tăng khả năng hoà tan hoạt chất (active ingredient). Sự thẩm thấu Ethanol vào lớp sừng của da làm thay đổi đi tính chất hoà tan của mô. Nguyên nhân là chúng có thể phân vùng hoạt chất.
♦ Khi quá trình thẩm thấu nhanh của Ethanol xảy ra, hoặc sự mất bay hơi của dung môi dễ bay hơi này có khả năng điều chỉnh lại hoạt động của nhiệt động lực học hoạt chất trong công thức. Một khi Ethanol bay hơi mất, nồng độ hoạt chất hay thuốc tăng lên vượt qúa độ hoà tan bão hoà thành trạng thái quá bão hoà, tạo động lực lớn hơn nữa cho quá trình thẩm thấu (tăng tốc quá trình thẩm thấu).
♦ Trong một giả thiết khác được đặt ra đã cho rằng Ethanol như dung môi có khả năng kéo. Tức là khi thâm nhập vào da, chúng có thể mang theo hoạt chất khác thẩm thấu cùng.
♦ Ethanol có tính dễ bay hơi, dùng Ethanol chiết xuất một số lipid từ bên trong lớp sừng ở nồng độ cao – thời gian dài có khả năng cải thiện tính thẩm thấu hoạt chất qua da.
♦ 1-octanol và 1-propranolol là chất tăng cường hiệu quả cho Salicylic Acid (BHA) và Niacinamide (Vitamin B3). Cồn béo cũng có hoạt tính tăng cường thâm nhập cho hai hoạt chất trên (trong các nghiên cứu trên da chuột không có lông.
Cải thiện kết cấu của sản phẩm
Nhìn chung các sản phẩm chứa cồn khô có lớp finish tương đối ráo mịn khi so sánh với một số sản phẩm không chứa chất này. Đây chính là khả năng cải thiện kết cấu sản phẩm. Kem chống nắng sẽ là mỹ phẩm thường chứa nhiều cồn nhất bởi ai mà chẳng muốn da cảm thấy nhẹ nhõm, ráo mịn suốt cả ngày.
Ngăn chặn khả năng tạo bọt
Khá kỳ lạ nhưng đây là công dụng thiết thực của cồn khô. Thực ra nếu sản phẩm có tạo bọt khi rung lắc cũng là điều bình thường, nó không hề ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hay trải nghiệm sử dụng. Tuy nhiên trông mỹ phẩm đẹp mắt thì dùng lên da cũng thích hơn đúng không nào.
Nguy cơ gây hại của alcohol (cồn) trên da
Sau nhiều nghiên cứu ống nghiệm, ảnh hưởng của rượu với các tế bào cô lập và các mẫu da cô lập khá đáng sợ: Cồn có thể làm cho tế bào chết đi, tạo ra các tín hiẹu viêm, biến tính protein, tiêu diệt vi khuẩn nhưng cũng làm chậm hoạt động của enzyme.
Theo tiến sĩ Michelle Wong tại labbmuffin.com, ý kiến của cô lại cho rằng việc dùng cồn trực tiếp lên da người lại rất khác với việc đổ chúng lên tế bào trần trong phòng thí nghiệm. Việc áp dụng nghiên cứu In Vitro vào thực tế trên da người là không giống nhau.
Da của con người có lớp sừng dày phía ngoài đóng vai trò như lớp hàng rào giữa tế bào với môi trường. Nếu muốn ảnh hưởng đến tế bào sống bên dưới, Ethanol phải đủ sức đi qua được lớp sừng dày dặn này. Tuy nhiên, không phải nghiên cứu In Vitro bên trên là sai đâu nhé. Với các làn da yếu ớt hơn như da nhạy cảm hay đang gặp các vấn đề khác, dùng mỹ phẩm chứa nhiều cồn vẫn có khả năng gây kích ứng như thường.
Cụ thể hơn về các tác hại của cồn lên da, bạn hãy xem qua phần dưới đây:
Làm khô da
Khả năng gây mất nước dẫn đến khô da của cồn nổi tiếng lẫy lừng khỏi phải bàn. Có rất nhiều nghiên cứu lâm sàng chỉ ra được cồn làm giảm quá trình hydrat hoá trên da, một số khác lại không đồng ý. Để khắc phục độ khô da này, nhiều sản phẩm không chọn cách loại bỏ hoàn toàn cồn khô. Cách nhãn hàng làm là cho thêm vào thành phần cồn béo cùng một số chất dưỡng ẩm da như glycerin để giảm cảm giác khô căng sau khi sử dụng.
Gây mẩn đỏ, kích ứng
Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra không chỉ với cồn mà còn là những hoạt chất với sức hoạt động vô cùng mạnh mẽ. Một số bạn hoàn toàn ổn khi sử dụng cồn béo, nhưng vừa đụng một chút cồn khô lên da là nổi ngay mẩn đỏ. Mặt khác, có bạn kích ứng hoàn toàn với cả cồn khô và cồn béo.
Khả năng gây kích ứng này của cồn thường xuất hiện ít hơn ở các làn da khoẻ mạnh. Nhưng cũng đừng chủ quan vì bạn sẽ không biết được làn da mình hợp hay không hợp với chất nào cho đến khi dùng thử chúng.
Gây rối loạn trên da
Ở các thí nghiệm trên các mẫu da cô lập (không phải trên người) cho thấy cồn (Ethanol) có thể phá vỡ enzyme và lớp lipid trong quá trình lột da. Khi xảy ra ở lớp ngoài cùng của da (lớp sừng) thì hoạt động của chúng kém hiệu quả hơn. Ethanol còn có thể gây vô tổ chức tạm thời hay tách lớp lipid khỏi da.
Có nên sử dụng mỹ phẩm chứa cồn?
Dù vướng phải nhiều thị phi và ý kiến trái chiều, cồn vẫn chễm chệ trên các loại mỹ phẩm dưỡng da là có lý do cả. Sử dụng loại cồn khô hay cồn béo, nồng độ ít hay nhiều là phụ thuộc vào làn da và nhu cầu của bản thân. Khi dùng cồn đúng cách, cồn chẳng những không gây hại mà còn giúp quá trình dưỡng da của bạn trở nên trơn tru, dễ dàng hơn rất nhiều.
Để biết cách chọn lựa mỹ phẩm đúng, đủ mà không gây hại cho da, bạn hãy lưu ý thật kỹ những điều sau.
3 Lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm chứa cồn
Cân nhắc về sức khoẻ làn da
Tình trạng da của bạn như thế nào là điều quan trọng nhất. Như bên trên đã đề cập, có bạn không hề dùng được một chút cồn nào, có bạn dùng được cồn béo, có bạn lại dùng được cả cồn khô lẫn cồn béo nồng độ cao mà chẳng hề hấn gì.
Nếu bạn có làn da vô cùng nhạy cảm, da yếu bẩm sinh hay yếu do tác động bên ngoài (từng nhiễm corticoid, treatment quá đà, bị bệnh,…) thì tốt nhất nên tìm sản phẩm khác phù hợp hơn vì cồn không phải lựa chọn đứng đầu của bạn. Điều này không có nghĩa là bạn hoàn toàn không dùng được, nhưng đã biết khả năng cao da sẽ gặp vấn đề thì “lảng tránh” luôn là điều sáng suốt.
Phần đông hơn các bạn sẽ ở tình trạng này, đó là da tương đối khoẻ, lâu lâu nhạy cảm hơn do môi trường hoặc thay đổi trong cơ thể. Bạn có thể thử qua được cả cồn khô và béo, nhưng muốn an toàn thì bắt đầu với cồn béo là được, không cần thiết lắm thì cũng chẳng nhất thiết chọn cồn khô.
Số da khoẻ còn lại cứ vô tư đi nhé vì da của bạn thường chấp được hết cái mớ cồn này, miễn đừng lạm dụng.
Nhu cầu chăm sóc da của bạn
Ví dụ, cùng là acid toner để tẩy da chết, có hãng dùng nền cồn, có hãng lại dùng nền nước cho sản phẩm của mình. Câu trả lời là chúng phục vụ cho các nhu cầu hoàn toàn khác nhau dù cùng là loại sản phẩm acid toner.
Đơn giản thôi, nếu bạn muốn một loại acid toner có tác dụng nhanh lẹ, mau chóng, không quan tâm đến rủi ro bong tróc lắm thì nền cồn là phù hợp cho bạn. Còn muốn chơi treatment nhưng rén, hiệu quả từ từ cũng được miễn đừng có làm da bung bét khô ran thì đừng sử dụng cồn nhé.
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Dù ai nói ngả nói nghiêng thì lòng bạn vẫn phải vững như kiềng ba chân. Xem thêm kiến thức là để hiểu rõ nguồn gốc, công dụng, thông tin về hoạt chất chứ không phải để cực đoan về góc nhìn.
Điều kiện tiên quyết của người tiêu dùng thông minh là hiểu rõ làn da lẫn nhu cầu của mình. Một khi đã nắm vững hai điều này, bạn dễ dàng tìm được sản phẩm phù hợp với mình hơn rất nhiều. Giờ đây thì cồn khô hay cồn béo, nên dùng cồn hay không cũng chẳng còn quan trọng bằng làn da bạn cần gì thì phù hợp.
Cứ linh hoạt điều chỉnh chu trình chăm da của bản thân nhé, vì đâu ai biết được thời điểm nào da bạn cần đến cồn hay không trừ chính bạn.
Tóm lại, các loại cồn cần lưu ý là ethanol hoặc ethyl alcohol, denatured alcohol, methanol, isopropyl alcohol, SD alcohol, and benzyl alcohol. Khi một hoặc nhiều trong số cồn này được liệt kê là một trong các thành phần chính; một lượng nhỏ trong sản phẩm không phải gây vấn đề. Ngoài việc gây khô và kích ứng da, những loại cồn này có thể phá vỡ các lớp bề mặt da. Cồn giúp các thành phần như retinol và vitamin C thâm nhập vào da hiệu quả hơn, nhưng nó có thể phá vỡ các lớp bề mặt da khi sử dụng trong thời gian dài.
Loại cồn như SD và “denatured” làm hư hại da ngay lập tức, bắt đầu phản ứng dây chuyền gây tổn hại kéo dài ngày sau khi chúng bốc hơi. Một nghiên cứu năm 2003 được công bố cho thấy khi tiếp xúc thường xuyên với các sản phẩm có cồn, việc làm sạch da sẽ làm da bị tổn thương nặng – da không còn có thể ngăn cho nước và các chất làm sạch thâm nhập vào, do đó làm mòn da. Nó cũng phá hủy các chất dưỡng tự nhiên làm dịu và bảo vệ da nó chống lại những thiệt hại của môi trường sống gây ra. Chưa hết, việc tiếp xúc với cồn làm cho các chất dưỡng lành mạnh trong da tự hủy hoại.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những tác động phá huỷ, lão hóa này đối với các chất dưỡng làm tăng sự tiếp xúc với cồn; có nghĩa là hai ngày tiếp xúc với cồn gây hại nghiêm trọng hơn là một ngày, và chỉ đang nói đến nồng độ 3% cồn thôi (phần lớn các sản phẩm chăm sóc da có denatured alcohol còn nhiều hơn 3%). Nói tóm lại, vì sức khỏe của da ở mọi lứa tuổi, tránh các sản phẩm chứa lượng cồn gây khô, kích ứng là điều không thể chối cãi.