Công dụng chính: Chống lão hoá, trị mụn, bạt sừng.
Thuộc nhóm: Thành Phần Trị Mụn, Chống Lão Hóa
Đánh giá thành phần cho bà bầu:  Tương đối an toàn 
Lưu ý khi sử dụng:
Thành phần lành tính hơn hẳn Retinol nhưng vẫn cần bắt đầu ở nồng độ thấp để tránh bong da.
Mô tả ngắn: Bakuchiol là một chiết xuất thảo mộc thường được sử dụng trong các loại thuốc y học cổ truyền Ayurvedic của Ấn Độ và Trung Quốc. Theo 1 nghiên cứu trên Tạp chí Da liễu của Anh, bakuchiol không chỉ đem lại hiệu quả tương tự như Retinol trong việc cải thiện các nếp nhăn, da không đồng đều mà thậm chí hoạt chất này còn ít gây kích ứng hơn.

Thành phần bakuchiol trong mỹ phẩm

Thành phần bakuchiol trong mỹ phẩm

Bakuchiol là gì?

Bakuchiol, thành phần mới xuất hiện trong mỹ phẩm chăm sóc da này có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ. Bakuchiol được tìm thấy ở cây Babchi (Psoralea Corylifolia) trong hai bộ phận là lá và hạt của chúng. Tên tiếng Việt của cây Babchi là Hạt đậu miêu, Bổ Cốt Chỉ, Hồ Phi Tử, Hồ Cố Tử,… Bên cạnh Babchi, Bakuchiol còn được chiết xuất thêm từ một số cây như Pimelea Prupaceae (Hoa gạo anh đào), Piper Longum (Tiêu dài), Ulmus Davidiana… nhưng số lượng không nhiều như Babchi. Dù có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng sau đó cây Babchi di thực vào đất nước Trung Quốc. Ở Việt Nam hiện tại đã trồng được cây này.

Bakuchiol có tác dụng chung là giảm thiểu sự xuất hiện của nếp nhăn, kể cả nếp nhăn li ti lẫn rãnh nhăn sâu. Ngoài ra, hoạt chất còn chống oxy hoá mạnh giúp giảm rõ rệt sự thay đổi màu da do tiếp xúc với môi trường. Thêm một điểm cộng là chúng hỗ trợ làm dịu da khá tốt, đó cũng chính là lý do Bakuchiol ngày càng có mặt nhiều hơn trong các sản phẩm chăm sóc da, kể cả da nhạy cảm.

*Trong y học dân gian, cây Babchi rất đa năng bởi công dụng trị đau đầu, mỏi gối, nhuận tràng, tiêu chảy, sâu răng và nhiều vấn đề về da khác.

Công dụng của Bakuchiol trong mỹ phẩm

Hỗ trợ điều trị mụn

Loại thành phần nằm trong cây Psoralea Corylifolia này đáng ngạc nhiên lại có công dụng hỗ trợ điều trị mụn. Khả năng này của Bakuchiol nằm ở năng lực kháng viêm mạnh mẽ, giảm thiểu tình trạng viêm sưng trên da, từ đó giảm mụn chỉ sau khoảng 1-2 tháng sử dụng.

Ngăn ngừa lão hoá

Bakuchiol sở hữu một khả năng mạnh mẽ thường được so sánh với Retinol là chống lão hoá. Hoạt chất kích thích tái tạo tế bào da, kích thích sản sinh collagen và elastin với tốc độ vô cùng nhanh chóng. Một làn da nhiều sợi collagen và elastin cũng đồng nghĩa với một làn da khoẻ mạnh, đàn hồi, căng bóng mang lại vẻ ngoài tươi tắn và trẻ trung.

Sinh sau đẻ muộn là vậy, Bakuchiol cùng một số thành phần khác vẫn chễm chệ trong danh sách những thành phần có lợi cho làn da. Hoạt chất có khả năng bảo vệ da tốt trước nhiều tác hại từ môi trường, một trong số đó là ánh nắng từ tia UV – kẻ thù số một của làn da lão hoá.

Làm dịu da

Khi sử dụng Retinol, điều khiến nhiều bạn cảm thấy quan ngại là khi bắt đầu quá trình bong tróc da. Kể cả khi xuất phát với nồng độ rất thấp, làn da của bạn vẫn có nguy cơ bong tróc, còn nhiều hay ít là do sức khoẻ làn da cũng như chế độ chăm sóc. Nhiều hãng mỹ phẩm hiện nay đã sử dụng công nghệ, cải tiến thành phần giúp hạn chế quá trình bong da này, tuy nhiên vẫn chưa thực sự tối ưu.

Bakuchiol ra đời để cứu rỗi lấy làn da của những bạn từng “bầm dập” với Retinol hoặc có ý định sử dụng mà còn lo lắng. Với tác dụng làm dịu tốt của mình, bạn có thể yên tâm tuyệt đối khi sử dụng hoạt chất này trong chu trình dưỡng da. Đừng nghĩ không bong là không có tác dụng, hiệu quả của Bakuchiol cũng chẳng thua kém gì Retinol đâu.

Nồng độ Bakuchiol thường dùng

Trong nghiên cứu của Ratan K. Chaudhuri, PhD (Sytheon Ltd., Boonton, NJ, USA) và Francois Marchio (Sytheon SARL, Carros, France), nồng độ Bakuchiol được khuyến nghị cho sản phẩm nằm trong khoảng 0.5-1% kèm với độ pH phù hợp là dưới 6.5 (mang tính acid).

Về khả năng kết hợp cùng các hoạt chất khác, Salicylic Acid (BHA), Retinol, Adapalene, nhóm Retinoids nói chung và Benzoyl Peroxide là những cái tên được chọn. Với các hoạt chất khác, chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể và rõ ràng khi kết hợp với Bakuchiol.

Bakuchiol có an toàn cho làn da không?

Để được lưu hành rộng rãi ngoài thị trường như bây giờ, Bakuchiol có mức độ an toàn nhất định mới có thể vượt qua được nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm. Cũng như tất cả hoạt chất làm đẹp khác, Bakuchiol không phù hợp cho tất cả mọi người.

Đã có nghiên cứu chỉ ra bằng Bakuchiol có hoạt động kháng thai khi nghiên cứu trên động vật. Khả năng kháng thai ở đây là hạn chế tinh trùng có thể bám vào trứng để tạo nên phôi thai. Do có biểu hiện gen tương đồng với Retinol, hoạt chất này cũng có quan ngại rằng liệu có phù hợp với phụ nữ mang thai và đang trong giai đoạn cho con bú hay không. Các nghiên cứu đã được thực hiện chưa nêu rõ nồng độ và con đường sử dụng như thế nào thì có khả năng gây hại. Nếu đang trong quá trình mang thai, cho con bú hoặc chuẩn bị mang thai, bạn hãy tham khảo kỹ bác sĩ trước khi dùng Bakuchiol để đảm bảo an toàn cho bản thân và em bé nhé.

Điều gì tạo nên cơn sốt Bakuchiol trong ngành làm đẹp?

Chỉ mới được thương mại hoá vào năm 2007 bởi côn ty Setheon Ld, Bakuchiol đã trở thành cơn sốt mới trong ngành làm đẹp, đặc biệt là với mỹ phẩm bôi thoa ngoài da. Nhiều bạn cho rằng hoạt chất này hoàn toàn có khả năng thay thế Retinol – chất được xem là thần dược chống lão hoá.

Đúng là Bakuchiol có vô vàn tác dụng mạnh mẽ đối với làn da, nhưng có thật là chúng có thể thay thế được hoạt chất vốn được ưa thích này?

1. Nghiên cứu về khả năng chống lão hoá của Bakuchiol

Tạp chí International Journal of Cosmetic Science năm 2014 có đưa ra một nghiên cứu về Bakuchiol. Tác giả của nghiên cứu chứng minh hoạt chất này có tác dụng chống lão hoá, tương tự với chức năng của Retinol và nhận được sự quan tâm đông đảo của nhiều người. Sau công bố này, nhiều hãng mỹ phẩm lớn trên toàn thế giới bắt đầu thêm thắt Bakuchiol vào sản phẩm của họ.

Như đã đề cập ở trên, Bakuchiol có biểu hiện gen giống với Retinol, nhưng lạ ở chỗ chúng không hề tương đồng về mặt cấu trúc. Mang so sánh hai hoạt chất này, Bakuchiol được cho là có nhiều ưu điểm hơn hẳn bởi tính ổn định quang hoá tốt (ổn định dưới ánh sáng và không nhạy cảm với ánh sáng), thuỷ phân tốt, an toàn cho làn da và dễ thêm vào công thức mỹ phẩm (khả năng hoà trộn được với nhiều chất). Nhờ đó, bạn không cần phải “né” Bakuchiol vào buổi sáng như cách bạn thường làm với Retinol. Ngoài ra, hoạt chất này còn có khả năng tăng cường sự sẵn có của Retinol nội sinh.

Trong một thí nghiệm lâm sàng Bakuchiol có 16 người hoàn thành 12 tuần thử nghiệm có kết quả như sau: Thời gian dùng 2 ngày/lần một sản phẩm chứa Bakuchiol nồng độ 0.5%, cả 16 người đều có cải thiện rõ rệt về các vấn đề nếp nhăn, sắc tố, độ săn chắc, độ đàn hồi mà không hề có tác dụng phụ như khi dùng Retinol. Điều này một lần nữa khẳng định được mức lành tính mà hoạt chất này mang lại cho làn da.

Trong nghiên cứu DNA microarray, chức năng điều chỉnh collagen của Bakuchiol tương tự với Retinol được chứng minh. Sự tăng collagen loại I và loại IV ở nghiên cứu này và sự kích thích của collagen loại III trong mô hình nguyen bào sợi trưởng thành chính là minh chứng rõ ràng nhất.

2. Nghiên cứu về khả năng trị mụn của Bakuchiol

Bakuchiol tác động đến khả năng trị mụn qua 4 yếu tố gây mụn là: Sự tiết dầu quá mức; Quá trình sừng hoá; Vi khuẩn gây mụn P.acnes; Tính kháng viêm. Bài nghiên cứu về khả năng trị mụn được đăng trên tạp chí khoa học Cosmetics & Toiletries năm 2011 sẽ cung cấp rõ ràng hơn về thông tin này.

Sự tiết dầu quá mức

Sự tiết dầu quá mức gây ra bởi enzyme 5-α-reductase. Khi enzyme này chuyển đổi testosterone thành DHT, liên kết thụ thể androgen trên tuyến bã nhờn sẽ gây ra sản xuất dầu dư thừa. Một khi lượng dầu trên da nhiều quá mức, vi khuẩn hiển nhiên sẽ phát triển mạnh mẽ gây viêm và mụn. Dùng Bakuchiol ở nồng độ 0.001% giảm khoảng 40% enzyme 5-α-reductase.

Quá trình sừng hoá

Ở làn da mụn, nồng độ matrix metalloprotease (MPP) cao hơn rất nhiều so với làn da bình thường. Nồng độ MPP cao gây phá huỷ collagen, elastin, laminin và fibronectin của da. Enzyme collagenase và elastase gây phá huỷ cấu trúc nền da, gây nên tổn thương sẹo ở vùng da bị mụn trứng cá. Bakuchiol sẽ ức chế hai loại enzyme này để bảo vệ da khỏi sẹo.

Đối với collagenase, Bakuchiol nồng độ 0.1% ức chế 50%. Còn với elastase, Bakuchiol đều có khả năng ức chế ở mọi đồng độ từ 0.0001% – 0.0005% nhưng lại phản ứng ngược lại khi liều càng cao. Riêng với Retinol, hoạt chất này không có khả năng ức chế elastase.

Tính kháng viêm và kháng khuẩn

Bakuchiol sẽ trị mụn hiệu quả hơn khi kết hợp với Salicylic Acid (BHA). Đây là kết quả của nghiên cứu lâm sàng trên nhiều tình nguyện viên tham gia. Nghiên cứu cho thấy 1% Bakuchiol kết hợp với 2% Salicylic Acid giúp giảm gần 70% tổn thương mụn. Nếu dùng hai hoạt chất này riêng lẻ, Bakuchiol 1% chỉ giảm được 57% tình trạng mụn và con số đó là 48% mụn với 2% Salicylic Acid.

Bên cạnh đó, Bakuchiol có hoạt tính ức chế P.acnes – một loại khuẩn gây mụn trên da rất tốt. Hoạt chất không chỉ có hiệu quả với P.acnes mà còn ức chế được Candida, Staphylococcus (sinh vật xuất hiện trong nang lông mụn trứng cá) với nồng độ tối thiểu 0.0002%. Khi bỏ rơi Salicylic một mình, hoạt chất này khá kém cỏi trong việc ức chế P.acnes. Còn khi kết hợp với Bakuchiol, khả năng này tăng lên rất nhiều.

Bakuchiol có thay thế được Retinol không ?

Bakuchiol có khả năng thay thế Retinol không là câu hỏi mà hầu hết tín đồ đam mê dưỡng da đều thắc mắc. Hoạt chất này được truyền tai nhau rầm rộ rằng có thể thay thế Retinol bởi công dụng tương tự nhưng chiết xuất nguồn gốc từ thực vật nên lành tính hơn.

Sự thật đúng là Bakuchiol làm được rất nhiều thứ mà đàn anh đàn chị nhóm Retinoids của mình làm được. Từ kích thích tái tạo tế bào da, kích thích sản sinh collagen, ngăn ngừa lão hoá sớm, làm mờ nếp nhăn nông sâu có đủ,… Chưa kể đến việc chiết xuất có nguồn gốc thực vật từ cây Babchi này khắc phục được nhược điểm lớn nhất của Retinol là gây bong tróc. Tất cả các lợi thế trên nghe thôi đã thấy “mát tai” rồi.

Tuy nhiên, chưa có khẳng định nào cho rằng Bakuchiol hoàn toàn thay thế được Retinol trong các sản phẩm dưỡng da hiện nay. Mặc dù tương đồng về tác dụng, biểu hiện gene cũng giống nhau, hai hoạt chất này vẫn có những điểm khác biệt. Hơn nữa, Bakuchiol chỉ mới được thương mại hoá từ năm 2007 nên vẫn chưa có quá nhiều nghiên cứu toàn diện về hoạt chất này.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra việc kết hợp hai hoạt chất này với nhau giúp gia tăng hiệu quả dưỡng da và giảm kích ứng rõ rệt. Thay vì chọn một bỏ một, bạn hoàn toàn có thể sử dụng sản phẩm chăm da kết hợp cả hai trong chu trình của mình.

Lưu ý khi sử dụng Bakuchiol

Khi dùng cho phụ nữ mang thai

Đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề Bakuchiol có dùng được cho phụ nữ mang thai hay không. Hoạt chất nào có độ lành tính cao, chiết xuất từ thực vật thường thân thiện hơn với nhóm phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Bakuchiol cũng có chiết xuất thực vật lẫn lành tính hơn hẳn Retinol, tuy nhiên chưa có lời công bố chắc chắn nào cho việc hoạt chất hoàn toàn an toàn với phụ nữ mang thai.

Nếu vẫn muốn trải nghiệm và thêm Bakuchiol vào chu trình chăm da hằng ngày, bạn rất cần một bác sĩ có chuyên môn để tư vấn kỹ càng trước khi ra quyết định.

Cách dùng Bakuchiol trong chu trình chăm sóc da

Tương tự với nhiều hoạt chất treatment khác, bạn cần chú ý những điều này khi dùng Bakuchiol trong skincare routine của mình.

Chống nắng bằng bất cứ giá nào: Bakuchiol lành tính không có nghĩa bạn dùng thế nào cũng được. Kem chống nắng phổ rộng có SPF 50+ và PA++++ (PPD 16 trở lên) là cần thiết để bảo vệ da mỗi ngày. Nhất là khi kết hợp Bakuchiol với hoạt chất dễ bắt nắng như Salicylic Acid (BHA), bạn càng cần bảo vệ da kỹ lưỡng hơn.

Dùng kèm thành phần phục hồi: Vẫn là câu chuyện lành tính, Bakuchiol êm dịu trên da hơn hẳn nhóm Retinoids. Dẫu vậy, hoạt chất này vẫn là treatment nên cần được dùng kèm thành phần phục hồi. Một số chất cần thiết để làm dịu da bạn nên tham khảo là Vitamin B5, Hyaluronic Acid, chiết xuất hoa cúc La Mã, chiết xuất keo yến mạch, chiết xuất rau má,…

Bakuchiol thích hợp với làn da nào?

Làn da không hợp với Retinol

Retinol được xem như thần dược cho làn da lão hoá và mong muốn điều trị mụn. Thực tế thì ai cũng rất trông chờ khả năng của Retinol nhưng không phải bạn nào cũng dùng được. Người thì bong tróc mạnh, người thì kích ứng, người lại nổi mẫn hay dị ứng đều đủ cả.

Cùng một công dụng như nhau với độ lành tính cao hơn hẳn, Bakuchiol xứng đáng ngồi “chễm chệ” trên kệ mỹ phẩm của bạn. Ưu tiên chọn sản phẩm chỉ chứa Bakuchiol thay vì kết hợp cả Bakuchiol và Retinol nếu bạn từng có tiền sử kích ứng nhóm Retinoids nhé.

Sở thích dùng mỹ phẩm Clean Beauty

Làm đẹp là nhu cầu được quan tâm hơn cả của cả nam và nữ từ rất lâu. Nếu ngày xưa chúng ta để ý nhiều hơn về việc mỹ phẩm giúp bản thân đẹp lên thì ngày nay tính xanh sạch, an lành từ bên trong được quan tâm hơn hẳn bởi xu hướng đẹp toàn diện và bền vững. Từ đó, Clean Beauty hay còn gọi là mỹ phẩm sạch ra đời.

Clean Beauty bao gồm mọi loại sản phẩm không độc hại, thân thiện với môi trường, tính bền vững cao và mang nguồn gốc hợp đạo đức (bảo vệ con người, không gây hại động vật lẫn môi trường xung quanh). Nguồn gốc thực vật từ cây Babchi của Bakuchiol là ứng cử viên sáng giá xứng đáng được bổ sung vào danh sách thành phần của những bạn đam mê mỹ phẩm sạch.

Những sản phẩm chứa Bakuchiol phổ biến trên thị trường

• Paula’s Choice 0.3% Retinol + 2% Bakuchiol Treatment
• The Inkey List Bakuchiol Moisturizer
• Herbivore Bakuchiol Retinol Alternative Serum
• Benton Bakuchiol Serum
• Okame Bakuchiol Super Cream
• Wishtrend Vitamin A-mazing Bakuchiol Night Cream
• Dermafactory Bakuchiol 1% Cream

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *