Công dụng chính: Chất tẩy da chết, làm sáng da.
Đánh giá: Chưa đánh giá
Thuộc nhóm: Thành Phần Loại Bỏ Da Chết/ Thành Phần Dưỡng Sáng
Chẳng còn xa lạ với mọi người, Glycolic Acid đã dần được ưu ái bậc nhất trong nhóm họ nhà AHAs nói chung. Nghe dân tình đồn đoán được sử dụng nhiều như vậy là do thành phần này đa năng lắm, vừa trị mụn lại còn dưỡng trắng da, mờ thâm sạm nữa. Liệu mọi người có đang quá lời về thành phần này không? Cùng GUO kiểm chứng ngay sau đây nhé!
Thông tin bài viết
Glycolic Acid là gì?
Glycolic Acid thuộc nhóm AHAs (Alpha Hydroxy Acid) được nghiên cứu nhiều nhất. Nguồn gốc thành phần này là từ cây mía, củ cải đường, nho, lá cây leo Virginia, phiên bản dùng trong mỹ phẩm thường có nguồn gốc tổng hợp. Hoạt chất có khối lượng phân tử chỉ 72g/mol, bé nhỏ nhất so với anh chị em cùng dòng họ. Chính vì thế, Glycolic Acid thấm tốt, nhanh, hiệu quả cao và đi kèm rủi ro kích ứng hơn hẳn.
Loại AHA này xuất hiện ngày càng nhiều trong các sản phẩm chăm sóc da như sữa rửa mặt, toner, serum và cả kem dưỡng. Tác dụng mà nhiều bạn mong đợi khi dùng Glycolic Acid là tẩy da chết, kích thích sản sinh collagen, làm mờ đốm nâu hiệu quả.
Điểm danh 4 công dụng nổi bật của Glycolic Acid
Tẩy da chết
Làn da của chúng ta có cơ chế tự loại bỏ phần tế bào chết một cách tự nhiên sau mỗi 3-5 tuần. Tuy nhiên quá trình này bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, môi trường và nhiều nguyên nhân khác nữa. Đây là lúc Glycolic Acid nhảy vào hỗ trợ bạn làm điều đó.
Dùng loại AHA này chỉ vài lần/tuần đã giúp da căng mướt, bề mặt mịn màng, tươi mới hơn rất nhiều. Có một số loại sản phẩm chứa Glycolic Acid để lại lớp da căng bóng ngay sau lần đầu tiên. Nghe có vẻ hơi “ảo diệu” nhưng sự thật hoàn toàn có thể.
Tăng khả năng tổng hợp collagen
Không nhiều thành phần có khả năng tổng hợp collagen, và Glycolic Acid đã được chứng minh có khả năng làm điều đó. Đây cũng chính là điểm khác biệt của thành phần này so với mọi loại AHAs khác trên thị trường. Dẫu vậy, lượng collagen cải thiện khiến bề mặt da thay đổi cũng cần tương đối nhiều thời gian, tầm 3-6 tháng là con số có thể thấy được sự thay đổi này.
Giảm tình trạng tăng sắc tố
Các thể loại đốm nâu, không đều màu, vết sạm da đều là các thể loại dễ có mà lại vô cùng khó trị. Glycolic Acid khi dùng một mình cũng chưa chắc đủ sức đánh bật hết chúng, nhưng thành phần này góp công vào việc thúc đẩy tiến độ.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt chất phân tán sắc tố melanin để bề mặt da sáng màu hơn dần dần. Glycolic Acid cũng có lợi nhằm làm mờ vết thâm nâu sau mụn nữa (còn gọi là vết tăng sắc tố sau viêm).
Một số công dụng khác
› Gia tăng độ dày của da, kích thích phát triển lớp da mới.
› Loại bỏ mảng da khô, tạo đường dẫn cho dưỡng chất thâm nhập.
› Hỗ trợ chăm sóc da mụn.
Nồng độ phổ biến của Glycolic Acid trong mỹ phẩm
Khi sử dụng cho chu trình dưỡng da tại nhà, nồng độ trong khoảng 4 – 10% là phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả mà vẫn dịu nhẹ cho da. Ở nồng độ này, khả năng chống lão hoá hay săn chắc da đương nhiên chưa thể hiện được rõ rệt.
Lên đến khoảng 10 – 20%, bạn vẫn dùng được Glycolic Acid tại nhà nhưng nên dãn cách còn 1-3 lần/ tuần tuỳ tình trạng da. Nếu không, da sớm bị rơi vào tình trạng tẩy da chết quá mức dẫn đến phản tác dụng khiến da yếu đi.
Một khi đã lên đến hơn 20%, đây là liều dùng cho liệu trình peel chuyên sâu cần tới sự thực hiện của bác sĩ. Thực tế thì nồng độ Glycolic Acid được dùng có thể lên đến 70%, can thiệp sâu xuống tận lớp hạ bì của da nhưng hiếm khi sử dụng với mục đích làm đẹp thường xuyên.
Độ pH phù hợp của Glycolic Acid trong mỹ phẩm
Độ pH để Glycolic Acid phát huy công dụng tốt nhất là từ 3 – 4. Độ pH càng thấp, thành phần hoạt động càng mạnh mẽ và ngược lại, độ pH càng cao khiến chúng hoạt động càng nhẹ nhàng lại. Lẽ đương nhiên là nếu Glycolic tung hoành quá mức dễ khiến da kích ứng, còn êm ả dịu nhẹ quá thì chẳng mấy tác dụng.
Một số lưu ý khi sử dụng Glycolic Acid
– Thoa kem chống nắng đủ lượng, thoa lại kem chống nắng đầy đủ bởi Glycolic Acid làm tăng độ nhảy cảm của da trước ánh nắng Mặt Trời.
– Cảm giác châm chích nhẹ trên da là bình thường khi mới sử dụng hoặc đang tăng dần lên nồng độ cao.
– Glycolic Acid không thích hợp cho da bị Rosacea.
– Nồng độ % thích hợp cho da mỗi người là khác nhau, cũng như tần suất sử dụng nhiều hay ít đều phụ thuộc vào da của bạn.
Tổng kết
Trên đây là những chia sẻ từ GUO để giúp bạn hiểu rõ hơn về Glycolic Acid. Hy vọng từ những thông tin này, bạn có thể tìm được cách chăm sóc da phù hợp với hợp chất này để cải thiện làn da ngày càng khỏe mạnh. Đừng quên truy cập GUO để tham khảo thêm nhiều thông tin bổ ích về các hoạt chất có lợi cho làn da khác nhé!