Công dụng chính: Chất làm dịu da, tẩy da chết, trị mụn, chiết xuất thực vật, làm sáng da.
Thuộc nhóm: Thành Phần Loại Bỏ Da Chết/ Thành Phần Dưỡng Sáng.
Đánh giá thành phần cho bà bầu: Mức độ nguy hại (trung bình)
Lưu ý khi sử dụng: Bắt đầu ở nồng độ thấp rồi tăng dần, dùng được cho mẹ bầu nồng độ <2%
Salicylic Acid là thành phần phổ biến trong mỹ phẩm hiện nay, đặc biệt là các sản phẩm trị mụn. Vậy salicylic acid là gì? Liệu bạn đã biết cách sử dụng sao cho hiệu quả và an toàn chưa? Hãy khám phá ngay bài viết này để GUO sẽ giúp bạn tìm hiểu về hoạt chất này và cách bảo quản sản phẩm chứa salicylic acid nhé!
Thông tin bài viết
Salicylic Acid là gì?
Salicylic Acid là một dạng BHA (Beta Hydroxy Acid). Loại acid này tan trong dầu, có khả năng đi sâu vào lỗ chân lông để tẩy da chết, loại bỏ dầu thừa, cặn bẩn còn sót lại mà sản phẩm làm sạch thông thường không lấy đi hết được. Trong mỹ phẩm, bạn thường bắt gặp chất này trong sữa rửa mặt, tẩy da chết hoá học, acid toner và các loại chấm mụn.
Nồng độ Salicylic Acid thường gặp trong mỹ phẩm
Khi sử dụng mỹ phẩm chứa Salicylic Acid tại nhà, nồng độ khoảng 0.5 – 2% là đủ dịu nhẹ khi dùng hằng ngày hoặc thường xuyên. Ở châu Âu, nồng độ 2% là tối đa đối với sản phẩm nội địa. Cũng dễ hiểu khi nhiều nhãn hàng thường không đưa nồng độ Salicylic Acid quá cao vào mỹ phẩm để đảm bảo độ an toàn cho da.
Trong nhiều mục đích da liễu khác, dạng BHA này có thể dùng ở nồng độ tận 20 – 30%. Với mức độ này thì chúng làm mờ được sắc tố, giảm nám bề mặt, giảm thiểu nếp nhăn bên cạnh việc trị mụn.
Có những nghiên cứu chỉ ra Salicylic Acid nồng độ <2% không làm tăng nhạy cảm của da với ánh nắng Mặt Trời. Dẫu vậy, bạn vẫn cần dùng kem chống nắng thật đầy đủ bởi đây vẫn là acid có tính bạt sừng.
3 Công dụng nổi bật của Salicylic Acid
Tẩy da chết
Salicylic Acid được dùng nhiều trong acid toner chính bởi tính tẩy da chết mạnh mẽ. Loại BHA này cũng giống như AHA, có tính bạt sừng nhưng lại đi sâu vào cuối lỗ chân lông nên tẩy da chết hiệu quả hơn hẳn.
Thông thường, bạn vẫn tìm được Salicylic Acid kết hợp với cả AHA, PHA để mang lại hiệu quả toàn diện hơn. Đặc biệt khi có làn da thiên dầu, dễ bí tắc lỗ chân lông thì loại BHA này nên là lựa chọn ưu tiên nếu bạn muốn da mình trở nên mịn màng, sạch thoáng.
Trị mụn đầu đen
Salicylic Acid có một “bí thuật” các loại hoạt chất tẩy da chết khác không làm được là trị mụn đầu đen. Nguyên nhân cũng dễ hiểu vì chúng tan trong dầu, còn vài chất khác lại tan trong nước, mà lý do chính gây mụn đầu đen cũng là do lỗ chân lông bí bách mà ra nên BHA xuất hiện để dẹp gọn hố dầu thừa này.
Một nghiên cứu so sánh 8% AHA và 2% BHA để điều trị mụn đầu đen đã diễn ra. Kết quả vô cùng dễ đoán, BHA làm giảm mật độ mụn đầu đen khá đáng kể nhưng AHA thì không.
Trị mụn trứng cá
Cấu trúc hoá học của Salicylic Acid tương đương với aspirin nên chúng cũng có vài công dụng tương tự nhau. Chống kích ứng, chống viêm là một vài hiệu quả điển hình.
Salicylic Acid điều trị mụn trứng cá, mụn viêm sưng không tốt bằng mụn đầu đen. Nếu vậy tại sao chúng ta không dùng Benzoyl Peroxide để trị mụn trứng cá luôn mà cần BHA làm gì? Thực ra cách trị mụn của hai chất này là khác nhau, bạn có thể kết hợp cả hai hoặc đơn giản là dùng Salicylic Acid vì không hợp với BPO chẳng hạn. Thậm chí để gia tăng hiệu quả, bạn kết hợp BHA với Azelaic Acid hay Mandelic Acid luôn cũng ổn.
So sánh Salicylic Acid và AHAs
AHAs và BHAs là hai nhóm chất được “giới mộ điệu” đặt lên bàn cân so sánh, phân biệt nhiều nhất. Cùng xem chúng có tương đồng hay khác biệt gì nhé.
Điểm tương đồng:
› Cùng là acid chuyên dùng để tẩy da chết giúp bề mặt da mịn màng, căng bóng hơn.
› Có độ pH tương đối thấp.
Điểm khác biệt:
– AHAs: Có khả năng tan trong nước, chủ yếu hoạt động trên bề mặt da, có thể dùng được cho mọi loại da
– BHAs: Có khả năng tan trong dầu, hoạt động được cả ở sâu trong nang lông, nên dùng cho làn da thiên dầu và dễ bít tắc lỗ chân lông.
Hướng dẫn cách dùng Salicylic Acid an toàn, hiệu quả
Patch test trước khi dùng
Bất kỳ một thành phần nào trước khi dùng lên da cũng nên được thực hiện patch test dù chúng lành tính tới đâu, huống gì một thành phần hoạt chất mạnh mẽ như Salicylic Acid. Cách đơn giản của patch test là thoa một lượng nhỏ sản phẩm lên vùng nhạy cảm nhất trên mặt, đợi khoảng 1-2 ngày xem phản ứng rồi quyết định có dùng toàn mặt hay không.
Lưu ý, tại vùng test sản phẩm bạn không thoa thêm những hoạt chất mới để đánh giá đúng tình trạng phản ứng của da.
Dùng kèm thành phần phục hồi
Thành phần phục hồi là cứu tinh cho các hoạt chất treatment, điển hình là AHAs, BHAs, Retinoids. Thông thường, nhóm chất phục hồi sẽ góp phần làm cho da “bình tĩnh” lại, dịu xuống, bớt đỏ rát, châm chích hơn. Một số chất làm dịu vừa hiệu quả, vừa phổ biến trên thị trường gồm có:
Vitamin B5: “Hoạt chất vàng” trong làng làm dịu, làm lành vết thương, hỗ trợ phục hồi nền da khoẻ mạnh.
Hyaluronic Acid: Khả năng cấp ẩm thần sầu, giúp bề mặt căng mọng và mịn mướt.
Ceramides: Củng cố hàng rào bảo vệ da, tăng sức đề kháng, làm dịu da đang tổn thương.
Tăng nồng độ từ thấp đến cao
Khi mới dùng, nồng độ lý tưởng cho Salicylic Acid là ở mức thấp khoảng 0,5 – 1%. Sau khi da đã quen dần, bạn hoàn toàn có thể tăng nồng độ lên vì sức chịu đựng của da cũng đã khác đi rồi.
Tổng kết
Salicylic Acid là “vũ khí” đắc lực cho da dầu, da mụn. Sử dụng hoạt chất này đúng cách, bạn sẽ sở hữu làn da sạch khỏe, mịn màng và rạng rỡ đấy nhé. GUO hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích để giúp bạn dễ dàng lựa chọn được sản phẩm chứa Salicylic Acid phù hợp với làn da.