Malic Acid trong táo thì nghe quen rồi đó, nhưng nếu thành phần này có trong cả mỹ phẩm thì bạn đã nghe qua bao giờ chưa? Bật mí thì đây là một trong những anh chị em họ hàng thuộc nhóm AHAs chung với Glycolic Acid nổi tiếng đó nhé. Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây về hoạt chất Acid Malic. Từ đó, các bạn có thể đưa ra quyết định nên hay không nên sử dụng sản phẩm skincare chứa Acid Malic trong liệu trình chăm sóc da của mình nhé!
Thông tin bài viết
Malic Acid là gì?
Malic Acid là một trong những hoạt chất tẩy da chết thuộc họ AHAs (Alpha Hydroxy Acid) có nguồn gốc từ quả táo và lê. Điểm đặc biệt của thành phần này là dạng lai giữa cả AHAs và BHAs chứ không hoàn toàn thuộc nhóm AHAs như Glycolic Acid, Mandelic Acid hay Citric Acid,…
Bản thân khối lượng phân tử của Malic Acid tương đối lớn, ở mức 134g/mol nên hoạt động kém hiệu quả hơn một vài anh chị em khác. Vì thế, loại acid này ít khi đứng một mình mà thường đi kèm vài hoạt chất nhóm AHAs khác để gia tăng hiệu quả sử dụng. Nồng độ hay bắt gặp của chúng trong mỹ phẩm tầm khoảng 1 – 2%.
Bật mí 4 công dụng nổi bật của Malic Acid
Dù lai chút BHAs nhưng Malic Acid vẫn có họ AHAs nên đều đảm bảo các công dụng chính của nhóm chất này.
Tẩy tế bào da chết
Bít tắc lỗ chân lông là nguyên nhân chính hình thành nên nhiều vấn đề về da. Lý do cho sự bít tắc này là cả một hố “rác” gồm dầu thừa, da chết lẫn bụi bẩn từ môi trường. Malic Acid tấn công vào những liên kết giữa mớ hỗn độn này để đẩy chúng ra ngoài, khiến da chết bong ra dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn.
Làm sáng đều màu da
Một khi da đã được tẩy đi lớp tế bào chết sạch sẽ thì bề mặt cũng đã mịn màng hơn. Nói về cảm quan, hẳn là một làn da mịn màng trông sẽ sáng hơn hẳn một làn da sần sùi, thô ráp dù có chung một tông da.
Chưa kể, Malic Acid có khả năng kích thích sản sinh collagen nên da càng căng mịn, đàn hồi hơn nữa. Vậy nên thành phần này hoàn toàn làm được công việc dưỡng sáng đều màu cho làn da.
Cân bằng độ pH và độ ẩm
So về tẩy da chết thì Malic Acid có thể yếu ớt một chút, nhưng so về tính cân bằng độ pH thì chẳng kém cạnh hơn Lactic Acid hay Citric Acid đâu. Ngoài ra thành phần còn hay được dùng trong y tế để cấp ẩm và duy trì độ ẩm.
Theo nghiên cứu của NIH (Viện nghiên cứu Y tế Quốc gia Hoa Kỳ) cho biết, khi mang Malic Acid kết hợp với thạch dầu mỏ sẽ tạo nên một loại thuốc mỡ bôi ngoài da, cải thiện được vết sẹo trên da rất tốt.
Ngăn ngừa hình thành mụn
Sở dĩ Malic Acid xuất hiện tương đối nhiều trong những sản phẩm cho da mụn là có lý do. Sau khi tẩy da chết, lỗ chân lông thoáng hẳn ra thì vi khuẩn cũng khó lòng mà hoạt động mạnh mẽ. Từ đó, tình trạng mụn ít khi hình thành, kể cả nhóm mụn viêm sưng hay mụn không viêm.
Tuy nhiên, hoạt chất này chỉ là hỗ trợ trong quá trình điều trị mụn, không phải chất trị mụn như BPO, tràm trà, lưu huỳnh… nên bạn vẫn cần sản phẩm chấm mụn riêng lẻ nữa nhé.
Nên kết hợp Malic Acid với hoạt chất nào?
Malic Acid đi được chung với nhiều chất khác chứ không khó tính khó nết, nên đứng một mình như Retinoids.
AHAs: Malic Acid riêng lẻ có công dụng tẩy da chết khá yếu, nhưng khả năng cân bằng pH và giữ ẩm lại tốt nên kết hợp thêm vài loại AHAs nữa sẽ giúp Malic Acid phát huy công dụng của mình tốt hơn. Nồng độ giữa các chất như thế nào thường các hãng mỹ phẩm cũng không công bố quá cụ thể, nhìn chung sẽ không quá cao nên bạn cứ yên tâm patch test rồi sử dụng nhé.
BHAs: BHAs đã đủ mạnh rồi mà còn kết hợp thêm với AHAs? Trên thực tế vẫn được bạn nhé! Tuỳ vào loại da, nhu cầu da khác nhau, chúng ta vẫn có lúc cần đến các loại tẩy da chết mạnh mẽ có mặt cả AHAs và BHAs. Một số hãng mỹ phẩm cũng đã điều chỉnh nồng độ hai nhóm chất này về mức thấp để dùng được cho nhiều loại da hơn nên nếu có bắt gặp sự kết hợp này bạn cũng đừng “rén” quá.
Một số lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm chứa Malic Acid
Dùng kem chống nắng đầy đủ: Các hoạt chất tẩy da chết có xu hướng khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng Mặt Trời. Đừng quên ưu tiên kem chống nắng có màng lọc hiện đại, bền vững và có chỉ số bảo vệ da cao.
Dưỡng ẩm, phục hồi đầy đủ: Làn da thông thường đã chịu nhiều yếu tố tác động từ môi trường khiến hàng rào bảo vệ yếu đi, lại còn mất lớp sừng già bên ngoài do tác động của Malic Acid nên rất cần phục hồi. Quá trình này giúp da đẩy nhanh chu trình thay da, kích thích sản sinh tế bào, song gây dựng lại hàng rào da vững chắc.
Tổng kết
Hoạt chất Malic Acid mang đến hiệu quả vượt trội mà vẫn an toàn cho da. Không ngạc nhiên khi nó trở thành “chân ái” của các tín đồ skincare trên toàn thế giới. Vậy còn bạn thì sao? Đã sẵn sàng “rinh” ngay một sản phẩm chứa Acid Malic vào bộ sưu tập skincare của mình chưa?